Theo phóng viên TTXVN tại London, trong thông cáo báo chí sau hội nghị, Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak cho rằng những cải cách lớn về thuế này là những điều Vương quốc Anh đã và đang thúc đẩy. Đây là một phần thưởng lớn đối với người đóng thuế Anh khi đã tạo ra một hệ thống thuế công bằng hơn phù hợp với thế kỷ 21.
Bộ trưởng Rishi Sunak nói “Đây thực sự là một thỏa thuận lịch sử và tôi tự hào G7 đã thể hiện vai trò lãnh đạo tập thể vào thời điểm quan trọng trong quá trình nền kinh tế toàn cầu của chúng ta phục hồi”.
Theo tuyên bố chung kết thúc hội nghị, các bộ trưởng tài chính G7 cam kết ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực đang được thực hiện thông qua Khuôn khổ bao trùm của G20/OECD nhằm giải quyết những thách thức về thuế phát sinh từ quá trình toàn cầu hóa và số hóa nền kinh tế và việc áp dụng mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu.
Theo đó, các bộ trưởng tài chính G7 cam kết tìm ra một giải pháp công bằng trong việc phân bổ quyền đánh thuế, với việc các nước có quyền áp thuế đối với ít nhất 20% lợi nhuận vượt quá biên độ 10% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và sinh lời nhiều nhất; phối hợp hợp lý giữa việc áp dụng các quy tắc quốc tế mới về thuế và việc loại bỏ tất cả các loại Thuế dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự đối với tất cả các công ty; cam kết mức thuế tối thiểu toàn cầu ở mức ít nhất 15% trên cơ sở từng quốc gia.
Ngoài vấn đề cải cách thuế doanh nghiệp, các bộ trưởng tài chính G7 cũng thảo luận và nhất trí tăng tốc độ hành động trong các vấn đề về môi trường, chống biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Các bộ trưởng tài chính G7 tái khẳng định mục tiêu chung của các quốc gia phát triển là mỗi năm huy động 100 tỷ USD từ các nguồn công và tư để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong cuộc chiến bảo vệ môi trường.
Các bộ trưởng tài chính G7 cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo nhất và các quốc gia dễ bị tổn thương trong việc giải quyết các thách thức về y tế và kinh tế liên quan đến đại dịch COVID-19 khi tuyên bố ủng hộ và yêu cầu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sớm thực hiện việc phân bổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 650 tỷ USD vào ngay cuối tháng 8 này. Bộ trưởng tài chính các nước Mỹ, Đức, Pháp, Ireland đã lên tiếng hoan nghênh, bày tỏ ủng hộ thỏa thuận này.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, G7 đã đạt được một cam kết "quan trọng, chưa từng có" hướng tới mức thuế tối thiểu toàn cầu nhằm chấm dứt "cuộc chạy đua xuống đáy" về áp thuế doanh nghiệp. Trong một tuyên bố, bà nêu rõ: "Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu csẽ giúp nền kinh tế toàn cầu thịnh vượng bằng cách tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và khuyến khích các nước cạnh tranh dựa trên những cơ sở tích cực" như giáo dục, nghiên cứu và hạ tầng cơ sở.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire trong một video đăng tải trên tài khoản Twitter nêu rõ: "Thỏa thuận này là điểm khởi đầu và trong những tháng tới, chúng tôi sẽ cố gắng để mức thuế doanh nghiệp tối thiểu này cao nhất có thể".
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng đánh giá đây là một thỏa thuận "lịch sử" của G7. Theo ông, các doanh nghiệp sẽ không còn có thể trốn thuế bằng cách khai báo lợi nhuận sang những nước có mức thuế thấp. Trong một tuyên bố, ông Scholz nhấn mạnh: “Đây là một tin tốt cho sự công bằng về thuế và tinh thần đoàn kết”. Ông cho biết bước đi tiếp theo sẽ là thảo luận về thỏa thuận này của G7 với bộ trưởng tài chính các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cũng ủng hộ mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào về quy định thuế doanh nghiệp toàn cầu sẽ phải đáp ứng nhu cầu của cả nước phát triển và đang phát triển. Đăng tải trên mạng Twitter, ông Donohoe nêu rõ: "Đây là vì lợi ích của mọi người để đạt được một thỏa thuận bền vững, tham vọng và bình đẳng đối với cấu trúc thuế quốc tế".