Nghiên cứu do Sherman Robinson - thành viên cấp cao của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), và Raul Hinojosa-Ojeda - Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập Bắc Mỹ thuộc Đại học California tại Los Angeles (UCLA) cùng thực hiện và công bố ngày 12/8.
Theo đó, các tác giả ước tính nếu tiền hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình giảm 500 tỷ USD sẽ dẫn tới tác động "suy thoái sâu hơn", Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tổn thất từ 3,8% đến 5%, và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4% đến 5%.
Hai chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ ít nhất nên duy trì các mức hỗ trợ thu nhập như trước đây nhằm ngăn chặn thiệt hại kinh tế xấu hơn nữa, nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế trì trệ hiện nay, việc bãi bỏ biện pháp kích thích "là một lựa chọn chính sách rất tồi".
Các cuộc đàm phán giữa các lãnh đạo phe Dân chủ và các quan chức Nhà Trắng đã đổ vỡ ngày 7/8 vừa qua, khi hai bên đều đổ lỗi cho nhau về việc đạt rất ít tiến triển trong đàm phán gói cứu trợ. Hiện phe Dân chủ đề xuất gói cứu trợ 3.400 tỷ USD, trong đó 1/3 dành cho hỗ trợ các chính quyền địa phương và các bang. Trong khi đó, phe Cộng hòa đề xuất gói cứu trợ 1.000 tỷ USD.
Trong bối cảnh đàm phán bế tắc, Tổng thống Donald Trump đã có một động thái "vượt mặt" Quốc hội khi ký 4 sắc lệnh hành pháp nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Sắc lệnh thứ nhất liên quan hỗ trợ người mất việc làm trong cuộc khủng hoảng COVID-19, theo đó mỗi người dân Mỹ thất nghiệp sẽ được nhận khoản tiền hỗ trợ 400 USD/tuần.
Ba sắc lệnh còn lại gồm hỗ trợ khoản vay của sinh viên, kéo dài hạn trả nợ tiền nhà và miễn nộp thuế tiền lương cho người dân Mỹ có thu nhập dưới 100.000 USD/năm.