Lần đầu tiên trong gần 6 thập niên qua, tăng trưởng trong năm nay của các nền kinh tế đang phát triển trên khắp châu Á sẽ bị thu hẹp và có thể sẽ được phục hồi vào năm 2021. Báo cáo cập nhật về Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây đã nhấn mạnh điều này. Cho dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là nhiều lạc quan và có thể duy trì được triển vọng tăng trưởng ở mức độ không lớn.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế của ADB cho biết, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức 1,8% trong năm 2020 và sẽ gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Trước mắt, triển vọng kinh tế Việt Nam ở thời điểm này và tới đây sẽ có nhiều khó khăn; nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm tổng cầu trong nước đang cho thấy diễn biến xấu hơn so với dự kiến.
Tuy nhiên, theo ông Cường, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác; đặc biệt là nhờ những lợi ích mang lại từ việc tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Cùng với đó là tín hiệu tốt của xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất trên toàn cầu sẽ tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần.
Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020 dự báo rằng, trong năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Á sẽ ở mức âm 0,7% - đánh dấu lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ đầu thập niên 1960 và nhiều khả năng sẽ đạt tăng trưởng trở lại ở mức 6,8% trong năm 2021; trong đó, khoảng 3/4 các nền kinh tế trong khu vực dự kiến sẽ có mức tăng trưởng âm trong năm 2020.
Tình hình lạm phát của các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Á cũng được dự báo sẽ giảm còn 2,9% trong năm 2020, thấp hơn so với mức từng được dự báo trước đây là 3,2% vào hồi tháng 4 vừa qua. Nguyên nhân được cho là vì giá dầu sẽ tiếp tục giảm xuống mức thấp vì cầu yếu. Thêm nữa, lạm phát năm 2021 toàn khu vực châu Á có thể sẽ giảm còn 2,3% trong năm tới.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: "Phần lớn các nền kinh tế ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương có thể mong đợi con đường tăng trưởng khó khăn trong thời gian còn lại của năm 2020. Nguy cơ kinh tế do đại dịch COVID-19 vẫn rất lớn, khi làn sóng bùng phát thứ nhất kéo dài hoặc các đợt bùng phát trở lại có thể thúc đẩy hơn nữa các biện pháp ngăn chặn. Những bước đi nhất quán và có phối hợp để giải quyết đại dịch, cùng với các ưu tiên chính sách tập trung vào bảo vệ mạng sống và sinh kế của những người dễ bị tổn thương nhất, cũng như bảo đảm an toàn khi trở lại làm việc và bắt đầu lại các hoạt động kinh doanh. Điều này sẽ tiếp tục có vai trò then chốt trong việc bảo đảm rằng sự phục hồi cuối cùng của khu vực là toàn diện và bền vững”.
Để giảm thiểu rủi ro, Chính phủ các nước trong khu vực đã đưa ra những chính sách đa dạng, bao gồm các gói hỗ trợ; trong đó, chủ yếu là hỗ trợ thu nhập, với mức khoảng 3,6 nghìn tỷ USD, tương đương với 15% GDP của khu vực.
Dẫn chứng cụ thể, Báo cáo ADO 2020 chỉ ra rằng, Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế trong khu vực thoát khỏi sụt giảm. Quốc gia này được dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm nay và 7,7% trong năm 2021, với các biện pháp y tế cộng đồng thành công tạo ra nền tảng cho tăng trưởng.
Tại Ấn Độ, nơi các lệnh phong tỏa đã làm ngưng trệ chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, GDP giảm mức kỷ lục 23,9% trong quý đầu tiên trong năm tài chính và được dự báo sẽ thu hẹp 9% trong năm tài chính 2020, trước khi phục hồi 8% trong năm tài chính 2021.
Còn lại, đa số các nước đang phát triển khác thuộc tiểu vùng châu Á được dự báo có mức tăng trưởng âm trong năm nay. Riêng khu vực Đông Á được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 1,3% trong năm 2020 và sẽ phục hồi mạnh mẽ ở mức 7% trong năm 2021.
Một số nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thương mại và du lịch thuộc khu vực Nam Á và phần lớn các quốc gia đang phát triển thuộc khu vực châu Á sẽ sớm hồi phục vào năm tới, trừ một số nền kinh tế thuộc Thái Bình Dương gồm Quần đảo Cook, Liên bang Micronesia, Quần đảo Marshall, Palau, Samoa và Tonga.