Trong bối cảnh này, ngày 15/5, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ đã tổ chức chương trình tập huấn về định hướng kinh doanh tại Việt Nam, với sự phối hợp của Liên minh Bỉ - Việt (BVA), nhằm nâng cao sự hiểu biết về môi trường cũng như văn hóa kinh doanh của người Việt cho các doanh nghiệp Bỉ.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, chương trình được tổ chức bằng hình thức tương tác, khóa học nhằm giúp các nhà đầu tư Bỉ hiểu về những điều nên và không nên làm trong văn hóa Việt Nam cũng như nghi thức kinh doanh.
Đại diện các doanh nghiệp Bỉ rất thích thú nghe ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cùng bà Nguyễn Bích Diệp, phụ trách đối ngoại của BVA, giới thiệu về cách thức giao tiếp với người dân địa phương và việc hòa nhập vào cộng đồng tại Việt Nam, như thói quen "cụng ly" tại các bữa tiệc, phong cách ăn mặc, cách bắt tay, giao tiếp…Đây được xem là những vấn đề cơ bản mà các nhà đầu tư nước ngoài cần biết khi kinh doanh ở nước sở tại.
Anh Davy Jacob, phụ trách chuỗi cung ứng của Công ty sản xuất sô cô la LIBEERT, người hiện đang kinh doanh tại thành phố Đà Nẵng, đã chia sẻ về những trải nghiệm thú vị của anh ở Việt Nam để hội nhập và làm ăn tại quốc gia này.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bỉ, anh Davy Jacob cho biết Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà kinh doanh nước ngoài. Tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và châu Âu nói riêng. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam dường như đang phát triển với tốc độ rất nhanh, điều này mang đến nhiều cơ hội cho các công ty xuất khẩu sản phẩm sang Việt Nam. Công ty sô cô la Bỉ LIBEERT đang kinh doanh tốt ở Việt Nam. Sản phẩm của công ty là những bức tượng nhỏ bằng sô cô la 3D, chẳng hạn những con rồng, được khách hàng Việt Nam rất ưa chuộng. Anh Davy Jacob bày tỏ mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong những năm tới và đang tích cực tìm kiếm các cơ hội, đối tác để phân phối sản phẩm đến các thị trường bán lẻ.
Bà Joke Pattyn, đại diện của công ty Facil chuyên về logistic, cho biết công ty của bà bắt đầu hợp tác kinh doanh với Vinfast cách đây 3 năm với việc cung cấp cho phía Việt Nam các phụ tùng ô tô. Hợp tác kinh doanh với Vinfast đang tiến triển rất tốt và bà mong muốn hiểu rõ hơn về các phong tục, tập quán kinh doanh của người Việt để gần gũi với khách hàng của mình cũng như xây dựng nhiều mối quan hệ.
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam với EU hiện nay, ông Trần Ngọc Quân cho biết mặc dù nền kinh tế châu Âu vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, các doanh nghiệp châu Âu vẫn rất kỳ vọng vào hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày, nông nghiệp. Năm nay cũng là năm thứ ba Việt Nam thực hiện EVFTA và hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan. Đây là cơ hội rất tốt cho quan hệ thương mại song phương, khi EU vẫn lựa chọn những nước có hiệp định thương mại tự do, coi đó là giải pháp để vượt qua khó khăn.
Ông Trần Ngọc Quân cũng nhấn mạnh, trong vòng 3-5 năm tới, các quy định bắt buộc của EU về hàng hóa nhập khẩu sẽ có hiệu lực. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ những quy định này bằng cách chuyển đổi sản xuất thích ứng với sản xuất xanh, sạch, phát triển bền vững và quá trình chuyển đổi này cần rất nhiều thời gian. Ông nhấn mạnh làm được điều này thì việc khai thác thị trường châu Âu mới đảm bảo bền vững.