Nhiều chuyển biến
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sau 6 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khảo sát cho thấy có tới 90% người tiêu dùng rất quan tâm đến cuộc vận động và 70% người tiêu dùng ưu tiên trong việc sử dụng hàng Việt.
Khách hàng mua sắm tại điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” đầu tiên ở tỉnh Nghệ An. |
Tại hội chợ triển lãm “Tuần nhận diện hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, người tiêu dùng có cơ hội biết đến hàng chục doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất hàng hoá có chất lượng toàn cầu; hàng trăm DN Việt Nam đạt thương hiệu quốc gia... Điều này đã tạo ra nhiều chuyển biến trong tâm lý lựa chọn hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng.
Dẫn chứng về điều này, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Coop Mart cho hay, trước cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có khoảng 200.000 lượt khách/ngày tham gia mua hàng tại hệ thống. Nhờ cuộc vận động, năm nay đã có hơn 400.000 lượt khách tham gia chương trình này. Trước chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam, có 150 nhà cung cấp tham gia nhưng tới nay, Coop Mart đã có 600 nhà cung cấp tham gia. Điều đó cho thấy, không chỉ người tiêu dùng mà các DN cũng quan tâm nhiều hơn tới thương hiệu và hình ảnh hàng Việt trên thị trường.
“Nhà bán lẻ là cầu nối giữa DN sản xuất với người tiêu dùng. Một sản phẩm Việt Nam có thương hiệu, chất lượng khi được đưa vào chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết và tin tưởng khi sử dụng. Còn đối với DN, sản phẩm tốt sẽ giúp thương hiệu, hình ảnh của họ được nâng cao”, ông Nhân cho hay.
Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản khiến người tiêu dùng ngần ngại khi chọn mua hàng Việt. Anh Tạ Hoàng Long, một người tiêu dùng tại Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, anh vẫn cảm thấy lo ngại khi chọn hàng hóa trên thị trường bởi những thương hiệu uy tín của Việt Nam hiện bị làm giả, làm nhái, trà trộn hàng kém chất lượng khá nhiều.
Tạo thêm chỗ đứng vững chắc
Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, các sản phẩm trong nước muốn được người tiêu dùng ưa chuộng phải tận dụng những thế mạnh riêng mà các sản phẩm ngoại không có, đồng thời phải đánh trúng phân khúc còn thiếu trên thị trường.
Trang trại Thủy Thiên Nhu (Hòa Bình) đang ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu (EM) của Nhật Bản vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, sạch và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Đây là kĩ thuật cốt lõi của nền nông nghiệp xanh, được các nhà khoa học Nhật Bản phát minh trong những năm 80 của thế kỉ trước và được ứng dụng tại hàng trăm quốc gia trên thế giới.
Bà Bùi Bích Liên, chủ trang trại cho biết, trang trại đã xây dựng được thương hiệu thực phẩm hữu cơ ORFARM gồm các loại thịt lợn, gà, cá, tôm, rau củ quả... được sản xuất theo tiêu chí không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các chất tăng trọng và đặc biệt không gây ô nhiễm môi trường. “Trong bối cảnh người tiêu dùng đang rất lo ngại về thực phẩm nhiễm độc và băn khoăn không biết tìm mua thực phẩm sạch ở đâu, chúng tôi chọn sản xuất thực phẩm sạch, một phân khúc đầy tiềm năng. Chúng tôi đã mở chuỗi cửa hàng ORFARM tại Hà Nội, phân phối các dòng sản phẩm chất lượng cao từ trang trại đến tận tay người tiêu dùng”, bà Liên cho hay.
Theo nhiều DN, xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm phải xuất phát từ chính quốc gia làm ra sản phẩm đó, làm sao để khi người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng sản phẩm là nghĩ ngay đến dùng hàng trong nước. Thực tế, những đơn vị ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhằm tạo ra hàng hóa chất lượng cao và đặc biệt là “không đụng hàng” như Thủy Thiên Nhu ngày càng xuất hiện nhiều và được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa.
Tuy nhiên, để hàng Việt có trở thành thói quen mua sắm của người tiêu dùng thì vẫn cần một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, qua 6 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các DN mong muốn các sản phẩm trên thị trường phải được cạnh tranh bình đẳng, loại bỏ hàng lậu, hàng trốn thuế... để không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Ngoài ra, hệ thống chính sách phải tạo ra sự bình đẳng giữa các DN trong và ngoài nước.
Về vấn đề này, bà Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường... tích cực triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, chống hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng làm việc với nhiều nhà phân phối như Saigon Coop Mart, Fivimart, Big C, Lotte Mart, Aeon... để kết nối cung ứng hàng hóa. Qua theo dõi, những đơn vị bán hàng Việt đều hoạt động tốt.
“Trong bối cảnh hội nhập, thách thức đối với hàng hóa Việt Nam là phải làm sao vươn đến chuẩn quốc tế. Trước đây, do các hàng rào thuế quan mà sự ưu ái vẫn dành cho DN nội địa nhưng nay thuế quan giảm thì khái niệm thị trường trong nước, thị trường quốc tế sẽ bị xóa mờ. Tất cả phải theo chuẩn quốc tế thì mới cạnh tranh được”. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |