Giúp nông dân nuôi trồng thủy sản giải quyết hàng tồn

Với lợi thế diện tích mặt nước lớn, ngành nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, người nuôi thủy sản đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19, khi giá cả xuống thấp, không tiêu thụ được, nhiều nông dân chỉ còn nuôi cầm chừng, thậm chí bỏ nuôi vì thua lỗ.

Chú thích ảnh
Thu hoạch tôm tại Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú - Lộc An (Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, 8 tháng năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 6.560 ha, sản lượng nuôi trồng đạt 12.8 tấn, đạt 62,7% kế hoạch năm. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các sản phẩm thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh tiêu thụ chậm, đặc biệt là hàu, cá nuôi lồng bè và cá nước ngọt. Hiện nay, người nuôi thủy sản đang bị lỗ nặng do nguồn cung dồi dào nhưng đầu ra bị ùn ứ. Giá bán ra tại ao nuôi thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất nhưng vẫn không tìm được thương lái thu mua.

Ông Nguyễn Thanh Chức ở tổ 2, thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức cũng là Tổ trưởng Tổ nuôi cá nước ngọt tại Suối Rao cho biết, gia đình ông đang nuôi các loại cá nước ngọt như: cá trắm, chép, rô phi. Nếu như trước kia mỗi vụ thu hoạch gia đình ông thu từ 15-17 tấn cá các loại và chỉ khoảng 1 tuần đến 10 ngày là tiêu thụ hết với giá ổn định là: cá trắm cỏ loại 4-5kg/con giá 70 nghìn đồng/kg, cá chép con loại 2-3 kg giá 60 nghìn đồng/kg, cá rô phi năm ngoái có giá 33 nghìn đồng/kg.

Đến nay, đã gần 1 tháng mà gia đình ông vẫn chưa tiêu thụ hết sản lượng cá đang đến kỳ thu hoạch. Trong khi đó, giá bán cũng đã xuống rất thấp như: cá trắm chỉ còn 50 nghìn đồng/kg, cá chép còn 45 nghìn đồng/kg, cá rô phi khoảng 30 nghìn đồng/kg. 

Ông Chức chia sẻ, nếu như cùng kỳ năm ngoái sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 250-300 triệu đồng/vụ thì năm nay gia đình ông sẽ thua lỗ.

Hiện, Tổ nuôi cá nước ngọt tại Suối Rao có 18 hộ nuôi, với 35ha nhưng, có đến 50% số hộ nuôi cá đang bị thua lỗ, 50% còn lại người nuôi chỉ hoà vốn chứ không ai có lãi trong các vụ nuôi từ đầu năm đến nay. Hiện nay rất nhiều ao nuôi tại Tổ nuôi cá nước ngọt Suối Rao không bán được phải cho cá ăn cầm chừng hoặc phải “treo ao” do không còn vốn, không vận chuyển được con giống để về thả nuôi gối vụ nên nguy cơ đứt gãy sản xuất là rất cao.

Vài tháng gần đây, thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng giá mạnh. Người chăn nuôi lao đao vì giá thức ăn làm đội giá thành sản xuất trong khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, thậm chí đình trệ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Anh Nguyễn Công Biên, người nuôi cá lồng bè trên Sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu có 200 lồng nuôi, với các loại cá bớp, chim và cá cam; trong đó, cá bớp và cá chim đã đã nuôi được hơn 14 tháng đã quá kỳ xuất bán hơn 4 tháng nay; cá cam cũng đã nuôi được 10 tháng vừa đến kỳ xuất bán. Tuy nhiên, do khâu tiêu thụ khó khăn nên đến nay bè cá của gia đình anh còn tồn khoảng gần 40 tấn cá.

Anh Biên cho biết, nếu như cách đây 10 ngày trước, mỗi ngày qua các đơn đặt hàng online trong tỉnh anh cũng bán được khoảng 300-400 kg, thì 10 ngày nay anh không xuất bán được. Cá đã quá lứa tiêu thụ nên ăn rất tốn thức ăn, mà cá càng ăn thì càng thua lỗ cho người nuôi. Giá cám tăng từ 80-100 nghìn đồng/bao 25 kg, cá mồi cho cá ăn thì khan hiếm do các tàu không ra khơi đánh bắt nên anh phải giảm lượng thức ăn cho cá để nuôi cầm chừng chờ đến ngày tiêu thụ.

“Khâu vận chuyển tiêu thụ rất khó. Nếu giao hàng tại thành phố Vũng Tàu thì chúng tôi chỉ có thể vận chuyển xe hàng về tới thành phố nhưng lại không có điểm tập kết hàng; giao hàng (shipper) thì thu phí quá cao khiến người mua không muốn mua hàng. Với tình hình tiêu thụ cá như năm nay, cộng với giá cám tăng cao gia đình tôi cầm chắc thua lỗ”, anh Biên chia sẻ.

Trước tình hình sức tiêu thụ thủy sản nuôi rất chậm, nhiều bè nuôi hiện phải “treo” không có vốn, không đặt mua được nguồn giống thủy sản để thả nuôi lứa mới, ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, mặc dù ngành nông nghiệp đã nỗ lực hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản, nhưng số lượng tồn vẫn khá nhiều, với hơn 150 tấn.

Nguyên nhân do kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con nuôi trồng thủy sản còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, sản phẩm thủy sản là sản phẩm tươi sống cần được bảo quản lạnh và giao nhanh cho khách hàng trong ngày mà tình hình dịch bệnh việc đi lại khó khăn, phân phối sản phẩm rải rác nhiều địa điểm tốn nhiều thời gian, điều kiện bảo quản không đảm bảo nên việc kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi còn chậm.

Trước sức tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản chậm, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã  kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp phổ biến, chỉ đạo địa phương tuyên truyền đến người dân những sản phẩm nông thủy sản còn tồn đọng có nhu cầu cần hỗ trợ tiêu thụ. Từ đó, người dân đăng ký nhu cầu theo từng cụm và đặt đơn hàng với các hộ sản xuất nhằm giúp tiêu thụ nông thủy sản trực tiếp từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các điểm bán hàng cố định hoặc lưu động tại các "vùng xanh", "vùng vàng" để cung cấp đầy đủ các mặt hàng nông thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm còn tồn nhiều cần hỗ trợ tiêu thụ. Như vậy, người nuôi mới giải phóng được số hàng tồn, để có vốn đầu tư, tái đầu tư sản xuất vụ mới.

Hoàng Nhị (TTXVN)
Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản do dịch bệnh
Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản do dịch bệnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo các bộ, ngành liên quan gỡ vướng khó khăn trong sản xuất thủy sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN