Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến trong quý III/2023, mặc dù có đến 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2023; ,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất đang trong tình cảnh khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi một “Nghị quyết chuyên đề” giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ngành công nghiệp luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023 sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu, lạm phát các nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào và lãi suất vay vốn vẫn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, xử lý hàng tồn và tìm kiếm thị trường mới. Mặc dù vậy, sản xuất công nghiệp vẫn đang ở mức thấp.
Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, xung đột Nga - Uckraine vẫn tiếp diễn, trong nước sức chống chịu của các doanh nghiệp sản xuất yếu sau thời gian dài chịu tác động của dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp lao động có tay nghề nghỉ việc từ dịch COVID-19 và chưa quay trở lại làm việc hoàn toàn…
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chưa bao giờ doanh nghiệp với hàng nghìn lao động trong ngành phải nhận đơn hàng chỉ vài nghìn, thậm chí vài trăm sản phẩm. Đặc biệt đơn giá giảm rất mạnh. Nhiều đơn vị sản xuất nhận giá gia công giảm tới 50%. Không những thế, khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn; các mặt hàng không đúng sở trường và truyền thống của doanh nghiệp.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết bên cạnh khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận vốn, nếu có thì mức lãi suất thời gian qua vẫn cao, có thời điểm lên đến hơn 10%.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong các tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, với nhận định tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp và khó lường, Thủ tướng Chính phủ đặt trọng tâm vấn đề duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng cường phân tích dự báo; đồng thời, tăng cường các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh…
Trên cơ sở như vậy, nhóm giải pháp này tập trung vào việc tiếp tục điều hành hài hoà chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng như kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay để kích thích, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế cũng như tiếp tục các giải pháp hỗ trợ từ chính sách tài khóa về miễn, giảm thuế, triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT).
“Đặc biệt, là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. Khi chúng ta tháo gỡ được một số khó khăn, điểm nghẽn đồng nghĩa chúng ta tăng thêm động lực cho tăng trưởng, khơi thông được động lực từ đầu tư của khu vực tư nhân”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thông tin này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa có Tờ trình số 5152 gửi Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Theo đó, Việt Nam sẽ quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả, tranh thủ mọi thời cơ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả phía cung và cầu của nền kinh tế.....
Cùng với đó, nội dung của dự thảo Nghị quyết được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp, giới đầu tư đặc biệt quan tâm, có nêu: cần chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc; đẩy mạnh cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, theo dự thảo cũng hạn chế tối đa thủ tục hành chính phát sinh trong thực thi chính sách, tuyệt đối không làm gia tăng thêm điều kiện, rào cản pháp lý, chi phí tuân thủ trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân…
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả; tận dụng môi trường thương mại số đã được hình thành trong thời gian qua, tích cực triển khai đồng bộ và hoàn thiện hệ thống lưu thông giữa các nhà sản xuất, thương mại và tiêu dùng nhằm đẩy nhanh hoạt động tiêu thụ cũng như kiểm soát tốt hoạt động kinh tế…
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, để tận dụng tốt các lợi thế về những Hiệp định thương mại tự do đã ký kết cùng nhiều đối tác và khu vực, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tiếp tục tìm hiểu kỹ các ưu đãi về thuế quan để có sự chọn lựa tối ưu; nắm vững các điều kiện ưu đãi. Doanh nghiệp cũng cần có những phản ứng linh hoạt, nhạy bén với thị trường trong việc tìm kiếm các đối tác và thúc đẩy giao dịch, điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ nếu phù hợp; thực hiện các yêu cầu khác về thủ tục giấy tờ, hồ sơ vận chuyển... để được hưởng ưu đãi...