Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi, hàng trăm ngư dân lại tự ý đóng mới, cải hoán, lắp đặt động cơ xe ô tô cho tàu cá khi chưa có phép.
Ngoài ra, có những tàu cá đã đăng ký nhưng nhiều năm nay chưa đăng kiểm hoặc chưa được cấp phép khai thác thủy sản. Trong khi đó, thực hiện quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về tăng cường kiểm soát tàu cá nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, thời gian qua, các lực lượng chức năng nghiêm cấm các tàu cá chưa đầy đủ giấy tờ ra khơi.
Tàu QNg - 11761TS của ngư dân Lâm Ngọc Phương phải nằm bờ nhiều tháng nay vì tàu cá không đủ các giấy tờ, thủ tục theo quy định. Theo anh Phương, tàu cá này được anh mua lại của một ngư dân địa phương và chỉ có giấy mua bán giữa hai bên. Tàu có chiều dài 10m, được sử dụng để hành nghề khai thác thủy sản ở khu vực bãi ngang, gần bờ.
"Năm 2021, tôi mua tàu này với giá hơn 200 triệu. Bản thân là người ít học nên cũng không nắm rõ các quy định của pháp luật, thấy chủ cũ không có các giấy tờ đăng ký nhưng vẫn ra khơi hàng ngày nên tôi đã mua và sử dụng cho đến nay. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, chính quyền địa phương và các đồng chí lực lượng biên phòng đến thông báo nếu tàu cá của tôi muốn tiếp tục ra khơi thì phải có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản. Nhưng khi đi làm giấy tờ tôi mới biết do chủ cũ đóng tàu chưa có phép nên tàu này không được cấp các giấy tờ, thủ tục theo quy định", anh Phương cho hay.
Thiếu tá Vũ Hoàng Anh Tuấn, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Sa Kỳ, thành phố Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, thực hiện đúng theo các quy định của cấp trên nên đơn vị không cho phép các tàu cá chưa đầy đủ các giấy tờ, thủ tục ra khơi. Với chức năng biên phòng, ngoài tuần tra, kiểm soát tàu cá trên biển, lược lượng biên phòng đã đến các bến, bãi neo trú tàu thuyền gặp gỡ các chủ tàu, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, từ đó hướng dẫn, động viên bà con khẩn trương hoàn thành thủ tục pháp lý đúng qui định.
Để tạo thuận lợi, chia sẻ khó khăn cùng ngư dân, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã vận động các đơn vị giám định, thiết kế giảm 50% các khoản phí, nhằm giúp ngư dân hoàn thành các giấy tờ, thủ tục pháp lý đúng quy định.
Như trường hợp tàu cá của ngư dân Phạm Hồng Thủy ở xã Nghĩa An, trước đây anh tự lắp đặt động cơ của xe ô tô cho tàu cá. Giờ muốn gỡ động cơ cũ thay động cơ tàu cá theo đúng quy định, anh phải có khoảng 500 triệu đồng. Được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, hiện anh chỉ phải bỏ ra khoảng 250 triệu đồng để thay động cơ và hoàn thiện các thủ tục cấp phép tàu cá theo đúng quy định.
"Những năm qua việc vươn khơi không đạt kết quả cao do tôm cá ngày càng cạn kiệt, trong khi đó các loại phí tổn, giá dầu liên tục tăng cao. Do đó, tôi không có chi phí để thay động cơ theo quy định. Năm nay cơ quan chức năng không cho phép ra khơi do tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm nên gia đình tôi cũng vay mượn để thay động cơ theo quy định. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, lực lượng biên phòng nên tôi đã hoàn thành thay máy và các giấy tờ thủ tục. Giờ chỉ đợi được cấp phép là tôi tiếp tục vươn khơi", anh Thủy nói.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi Nguyễn Văn Mười cho biết, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi đã báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về số tàu cá chưa đăng kiểm, đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi quy định tại Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT để cấp phép đăng ký, đăng kiểm cho các tàu cá này.
"Đối với các tàu cá chưa đăng ký, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai dự thảo thông tư để sửa đổi Thông tư 23/2018. Bộ cũng đã họp, lấy ý kiến các địa phương lần thứ nhất, dự kiến trong tháng 1/2024 sẽ sửa đổi thông tư. Với thông tư sửa đổi của bộ sẽ cho phép những tàu chưa đăng ký được đăng ký để việc quản lý tàu cá của địa phương thuận lợi hơn, đảm bảo theo quy định của Luật Thủy sản. Đối với các tàu đã đăng ký nhưng chưa đủ giấy tờ, thủ tục, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, phối hợp với Biên phòng tỉnh, chính quyền địa phương để trực tiếp hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể, giúp bà con hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định", Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, tỉnh có 716 tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, các tàu này chủ yếu là tàu nhỏ có chiều dài từ 6m đến dưới 12m. Trong số đó, tàu tập trung nhiều nhất tại huyện Lý Sơn với 228 tàu, thị xã Đức Phổ 186 tàu và thành phố Quảng Ngãi 160 tàu... Ngoài ra, có khoảng 600 tàu đã có giấy chứng nhận đăng ký nhưng chưa đầy đủ các giấy tờ khác.