Đến nay, sau hơn 7 tháng thực hiện, mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã tập trung mọi nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ Dự án, nhưng những khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng đã làm nhiều hạng mục của Dự án không đạt tiến độ đề ra.
Báo cáo của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho thấy, đến ngày 27/7, Dự án mới đo đạc giải thửa được 1.595 vị trí, còn 13 vị trí chưa hoàn chỉnh hồ sơ đo đạc, gồm: 8 vị trí qua khu giáo dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh (chủ đầu tư đang tiếp tục vận động) và 5 vị trí tại thành phố Đà Nẵng đã thực hiện công bố Quy hoạch bản đồ tỷ lệ 1/500, đang hoàn chỉnh hồ sơ đo đạc.
Bên cạnh đó, toàn tuyến có diện tích đất rừng khoảng 1.177 ha, với 651 vị trí móng. Hiện hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế, CPMB đã làm thủ tục chuyển tiền. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có Quyết định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế, CPMB đang làm thủ tục trả tiền.
Riêng hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, Tư vấn đã hoàn thiện phương án nộp tiền trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, CPMB có văn bản đề nghị phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế. Tư vấn cũng trình hồ sơ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh để xem xét phê duyệt. Các tỉnh còn lại đã tổ chức thẩm định hiện trường.
Từ cuối tháng 2/2019, các địa phương mới bắt đầu triển khai kê kiểm và lập Phương án bồi thường. Nhà thầu và CPMB đã thỏa thuận với các hộ dân bàn giao mặt bằng trước khi hoàn thành các thủ tục phê duyệt theo quy định. Đến cuối tháng 7 này, các địa phương đã kê kiểm 1.4/1.608 vị trí, bàn giao mặt bằng thực tế so với Kế hoạch điều hành 769/852 vị trí.
CPMB cho biết, cũng đến ngày 27/7, các đơn vị thi công đã đào móng 495 vị trí; đúc móng 0/494 (Kế hoạch điều chỉnh). Theo đánh giá của CPMB, tiến độ thi công như vậy không đạt kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân chính được CPMB lý giải là do việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công chậm, chủ yếu là vận động bàn giao nên đơn vị thi công không chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để kịp thời thi công đồng loạt các vị trí. Một số đoạn tuyến do việc thỏa thuận chưa chi tiết cụ thể, dẫn đến quá trình thực hiện phải điều chỉnh hoặc tạm dừng thi công để khẳng định lại làm kéo dài tiến độ thi công.
Trong khi đó, thời tiết ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã bắt đầu mưa vào buổi chiều và xuất hiện dông lốc cục bộ một số khu vực làm ảnh hưởng đến quá trình thi công của các nhà thầu.
Một khó khăn nữa là hạng mục sân phân phối 500kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch đã được UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) phê duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền cho 8/10 hộ dân bị ảnh hưởng. Còn 2 hộ với diện tích 740,5 m2 phần đường vào CPMB đang tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, Dự án vẫn chưa thi công được do các các hộ dân tại khu vực khác thuộc dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch ngăn cản, yêu cầu cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc tồn tại liên quan đến bồi thường tái định cư thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.
Về vấn đề này EVN đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình. Hiện nay UBND huyện Quảng Trạch đang vận động tuyên truyền các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án để đồng thuận nhưng vẫn chưa có kết quả.
Đối với đoạn tuyến qua thôn Tây Yên, xã Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đến nay các hộ dân vẫn chưa ký hồ sơ đo đạc giải thửa. Các hộ dân đã xây dựng mới nhà ở, công trình trên diện tích đất thu hồi làm móng trụ và trong phạm vi an toàn hành lang lưới điện. Có một số hộ dân vừa có nhà ở, công trình trong và ngoài hành lang tuyến nhưng yêu cầu Hội đồng bồi thường phải kê kiểm tài sản tất cả mới ký hồ sơ, kể cả nhà ngoài hành lang tuyến.
Hiện nay UBND thị xã Kỳ Anh đã có văn bản số 891/UBND-QLĐT&KT ngày 17/6/2019 về việc xem xét điều chỉnh đoạn tuyến từ vị trí 62 đến vị trí . Ngày 27/6 vừa qua, CPMB đã chủ trì phối hợp với Tư vấn thiết kế, Truyền tải điện Hà Tĩnh và Hội đồng bồi thường thị xã Kỳ Anh kiểm tra thực tế hiện trường và đề xuất phương án hiệu chỉnh tuyến.
Cùng với việc kê kiểm, xét duyệt nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường của địa phương và Hội đồng bồi thường cho các hộ dân còn chậm do phải triển khai nhiều dự án cùng một thời điểm và thủ tục kéo dài. Theo CPMB, thủ tục lập hồ sơ, thẩm tra đánh giá hiện trạng rừng để nộp tiền trồng rừng thay thế và chuyển đổi đất rừng cũng mất rất nhiều thời gian.
Theo ý kiến của một số địa phương và người dân thì mức hỗ trợ đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất nằm trong hành lang tuyến của Dự án theo quy định tại Khoản 2, Điều 19, Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện là chưa phù hợp với thực tế, nên hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng và một số chính quyền địa phương chưa đồng thuận. Bên cạnh đó, thủ tục lập, phê duyệt đơn giá đất bồi thường mất nhiều thời gian nhưng không sát theo giá thị trường. Cụ thể, đơn giá tại các vùng giáp ranh giữa các tỉnh chênh lệch và mức hỗ trợ của các địa phương cũng khác nhau.
Việc bồi thường đối với đất mượn tạm thời và tài sản bị ảnh hưởng trên đất mượn để phục vụ thi công xây dựng công trình cũng gặp khó khăn do hộ dân thường yêu cầu chi phí quá cao so với đơn giá quy định, dẫn đến mất rất nhiều thời gian để thương lượng, vận động, làm chậm tiến độ thi công.
Trong khi đó, việc xét duyệt nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường của địa phương và Hội đồng bồi thường cho các hộ dân còn chậm do nhiều hộ dân chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất khai hoang, tranh chấp giữa hộ dân với tổ chức.
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho biết, là đơn vị được giao quản lý Dự án trọng điểm này nên cũng chịu rất nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực điều hành để đảm bảo tiến độ của Dự án. Mặc dù CPMB đã rất nỗ lực và linh hoạt trong việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tích cực vận động nhân dân bàn giao trước mặt bằng để thi công nhưng vấn đề này vẫn là một thách thức lớn đối với tiến độ của Dự án.
“Nếu những khó khăn trên không được kịp thời tháo gỡ thì nguy cơ Dự án không đảm bảo tiến độ đóng điện trong tháng 6/2020 là rất cao”, Giám đốc CPMB lo lắng.
Mới đây, ngày 25/7, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 6570/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương có tuyến đường dây 500kV Bắc -Nam mạch 3 đi qua hỗ trợ EVN, EVNNPT trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Theo Văn bản này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia trong bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 500kV mạch 3 để hoàn thành và đưa vào vận hành trong tháng 6/2010.
Các tỉnh, thành phố này phải thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm Trưởng ban để trực tiếp chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án trên địa bàn địa phương quản lý. Với mục tiêu hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường để chi trả tiền cho các hộ dân và bàn giao xong tất cả các vị trí móng trong tháng 9/2019, hành lang tuyến trong tháng 12/2019. Đồng thời, không để phát sinh nhà cửa, công trình trong hành lang tuyến đường dây đã được thỏa thuận; có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các trường hợp không chấp hành phương án bồi thường đã được phê duyệt hoặc cố tình cản trở việc thi công công trình.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn thực hiện bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất đối với đất thuộc hành lang an toàn công trình theo đề nghị của EVN theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Tuyển cho biết, văn bản 6570/VPCP-CN thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ đối với tiến độ của Dự án. Văn bản này sẽ giúp CPMB phối hợp tốt hơn với các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng và quyết tâm hoàn thành Dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong những ngày cuối tháng 7 này, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân đã làm việc với UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam để tháo gỡ khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án. Trước đó, Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN Dương Quang Thành và các cấp Lãnh đạo của EVN, EVNNPT cũng đã làm việc với các địa phương có Dự án đi qua để đề nghị hỗ trợ triển khai Dự án.
Hiện nay, EVN và EVNNPT đã thành lập các Ban chỉ đạo để điều hành Dự án. Ban chỉ đạo luôn bám sát tình hình, chỉ đạo xử lý ngay những vướng mắc để Dự án đảm bảo tiến độ. EVNNPT cũng yêu cầu CPMB đôn đốc các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, vật lực để đảm bảo mặt bằng được bàn giao đến đâu, triển khai thi công ngay đến đó. Mặt khác, phối hợp với Chủ đầu tư và chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân chấp hành tốt phương án bồi thường đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổng Giám đốc EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng cho biết, do các khó khăn, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng nên hiện nay một số hạng mục đang chậm tiến độ so với tổng tiến độ được phê duyệt. Với việc Văn phòng Chính phủ ra Thông báo 6570/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, chắc chắn trong thời gian tới công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho Dự án sẽ được thuận lợi hơn.
Theo ông Nguyễn Tuấn Tùng, về phía EVNNPT sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương có Dự án đi qua sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng, quyết tâm chỉ đạo và điều hành để Dự án hoàn thành theo đúng tiến độ mà Chính phủ yêu cầu.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dự án vừa tăng độ tin cậy cho trục xương sống của hệ thống truyền tải điện Quốc gia, vừa nâng cao công suất truyền tải điện theo hướng Bắc - Trung - Nam và góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Dự án do EVNNPT làm Chủ đầu tư, CPMB thay mặt EVNNPT quản lý Dự án. Dự án này gồm 3 phân đoạn: Đường dây 500kV Quảng Trạch - Vũng Áng - Sân phân phối 500kV Quảng Trạch; Đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và Đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 đã được khởi công từ ngày 18/12/2018.