Theo đó, để đạt kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 trên 95% theo Công điện số 24/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Tổ trưởng Tổ công tác số 5 đã đề nghị 6 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 gồm: Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước khẩn trương có văn bản gửi các bộ chuyên ngành báo cáo cụ thể các khó khăn, vướng mắc liên quan để kịp thời có phương án giải quyết dứt điểm.
Đối với các vướng mắc liên quan đến Luật và các văn bản hướng dẫn dưới Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các bộ chuyên ngành phải khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án sửa đổi, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi để tạo điều kiện thông thoáng, giảm trình tự thủ tục để thúc đẩy giải ngân của các dự án, bảo đảm dự án đầu tư hiệu quả, tiết kiệm.
Bên cạnh đó, rà soát lại toàn bộ các dự án, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án mới được bổ sung vốn; kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án chậm giải ngân sang các dự án khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định.
Ngoài ra, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia và các Chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân theo đúng kế hoạch được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương duy trì việc giao ban thường xuyên của các Tổ công tác địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án theo thẩm quyền, đặc biệt là khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị khẩn trương tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Đồng thời, trên cơ sở đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ chuyên ngành chủ động nghiên cứu vướng mắc để có phương án xử lý kịp thời, có văn bản hướng dẫn các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong giải ngân vốn đầu tư công.
Báo cáo cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, 6 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 chưa có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện và giải ngân thanh toán vốn. Cụ thể mới có 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt được mục tiêu đề ra Đồng Nai đạt 18,81%; Bình Dương đạt 22,6%; Bình Phước đạt 21,2%), tuy nhiên vẫn thấp hơn giải ngân bình quân chung của cả nước là 22,34%. 3 địa phương còn lại có tỷ lệ giải ngân thực tế đến hết tháng 5/2024 không đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, Bình Thuận chỉ đạt 13,72%; Gia Lai chỉ đạt 13,57% và Lâm Đồng đạt 16,49%.
Tổ công tác số 5 cũng cho biết, 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước đã có tỷ lệ giải ngân thực tế đạt và cao hơn so với mục tiêu giải ngân đến hết 31/5/2024. Tuy nhiên, 3 địa phương vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực hơn để tỷ lệ giải ngân các tháng tiếp theo có thể đạt trên mức bình quân chung cả nước. Đối với 3 tỉnh Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồng, Tổ công tác số 5 nhận thấy tỷ lệ giải ngân chưa có nhiều chuyển biến, thậm chí còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, do đó, Tổ công tác số 5 đề nghị các địa phương này có giải pháp quyết liệt hơn trong thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Ngoài ra, tại 6 địa phương mặc dù đã có nhiều dự án thực hiện giải ngân, nhưng tỷ lệ còn rất thấp, không đáng kể, đa phần chưa đạt được 10% kế hoạch vốn được phân bổ.
Báo cáo của Bộ cho biết, nguyên nhân giải ngân chậm là do các vướng mắc liên quan đến việc giao vốn, trình tự, thủ tục thực hiện các dự án (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); liên quan tới quy hoạch, nghiệm thu công trình (Bộ Xây dựng); liên quan đến giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng (Bộ Tài nguyên và Môi trường); liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vướng mắc trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc); vướng mắc liên quan đến mua sắm thiết bị (Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ).
Trên cơ sở tình hình giải ngân của các địa phương, Tổ công tác số 5 nhận thấy, việc bố trí kế hoạch vốn của các địa phương cho dự án chưa bảo đảm theo đúng khả năng hấp thụ vốn của các dự án. Nhiều dự án có khối lượng vốn nhưng tỷ lệ giải ngân đến nay vẫn còn thấp, có dự án còn chưa thực hiện giải ngân.