Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc, đặc biệt là trong quan hệ đầu tư thương mại.
Riêng về đầu tư, dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào TP Hồ Chí Minh có sự tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua mặc dù đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của giai đoạn hậu COVID-19, thể hiện niềm tin của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc vào sức hút của thị trường Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Cụ thể, tính đến tháng 10/2022, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn thứ tư tại TP Hồ Chí Minh với 2.027 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5,4 tỷ USD, chiếm 9,81% tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài tại thành phố.
Đánh giá cao vai trò của các nhà đàu tư nước ngoài, bên cạnh việc hỗ trợ nhà đầu tư trong các hoạt động sản xuất kinh doanh bằng các cơ chế, chính sách, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng thường xuyên quan tâm giải quyết các khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Từ đó, góp phần tạo sự thông thoáng để mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc mạnh dạn đầu tư vào thành phố.
Ông Han Jae Jin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và Nam Việt Nam cho rằng, quá trình cùng nhau xem xét những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải và tìm ra giải pháp cho các vướng mắc đó. Qua đó, sẽ thấy được tính thực tiễn của những văn bản pháp luật và có thể tìm ra câu trả lời từ việc xem xét những tình huống phát sinh thực tế của các doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao sự lắng nghe hỗ trợ giải quyết cũng như giải đáp những vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Việc chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các kiến thức được hệ thống hóa của các chuyên gia đến từ các cơ quan sẽ góp phần giảm thiểu tối đa các sai sót trong quá trình thực hiện nghiệp vụ liên quan của các doanh nghiệp”, ông Han Jae Jin chia sẻ.
Tại chương trình, các doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung nêu các vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực giấy phép lao động và thị thực cho chuyên gia, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Cụ thể, vấn đề được nhiều doanh nghiệp phản ánh là cơ quan quản lý xuất nhập cảnh không cho sử dụng dịch vụ xin visa hộ, trong khi các công ty dịch vụ có chuyên môn nên làm hồ sơ nhanh và chuyên nghiệp, còn các công ty nhỏ thường không có nhân viên chuyên trách dẫn đến lúng túng khi chuẩn bị các hồ sơ.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghi đề nghị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cho phép doanh nghiệp sử dụng dịch vụ xin visa hộ hoặc chỉ định các công ty dịch vụ uy tín mà doanh nghiệp được phép sử dụng.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Phan Hòa, Phó trưởng phòng Quản lý người nước ngoài, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh tại TP Hồ Chí Minh thông tin, hiện nay Luật Xuất nhập cảnh Việt Nam quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh phải trực tiếp nộp hồ sơ tại cục quản lý xuất nhập cảnh. Nếu gặp khó khăn trong chuẩn bị hồ sơ, các doanh nghiệp có thể liên hệ các dịch vụ tư vấn để hỗ trợ.
Các doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài cũng cho biết đang bị bối rối khi không biết trường hợp nộp hồ sơ ở Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh và trường hợp nào phải nộp hồ sơ đến Cục Xuất nhập cảnh nộp.
Theo ông Nguyễn Phan Hoà, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh được phép tiếp nhận hồ sơ theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức (được quy định tại điều 14, Luật Xuất nhập cảnh số 47) có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh hoặc theo đề nghị của các cá nhân thường trú, tạm trú dài hạn, trừ các trường hợp: nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; các trường hợp là văn phòng đại diện của tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam; bị mất hộ chiếu; hết hạn tù, được đặc xá; trẻ sinh ra tại Việt Nam cấp lần đầu; nhập cảnh bằng miễn thị thực, thị thực điện tử, thị thực do cơ quan ở tỉnh khác bảo lãnh.
Một doanh nghiệp khác cũng nêu vấn đề, trước đây, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cho phép gia hạn visa doanh nghiệp 3 tháng, giờ chỉ cho gia hạn 1 tháng, gây khó khăn cho người nước ngoài khi có công việc cần xử lý dài hơn mà không cần giấy phép lao động. Doanh nghiệp đề nghị xem xét cho gia hạn visa 3 tháng như trước đây. Cục Quản lý Xuất nhập cảnh phản hồi, với người ngước ngoài đang làm thủ tục cấp giấy phép lao động, có chứng minh được việc mình đang làm các thủ tục này mà chưa xong thì sẽ được xem xét gia hạn thêm.
Đối với lĩnh vực cấp giấy phép lao động cho người ngước ngoài, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, các bộ phận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh luôn tạo điều kiện để cấp giấy phép lao động đúng thời hạn cho lao động nước ngoài khi nộp đủ hồ sơ. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi từ hồ sơ trực tiếp sang trực tuyến đôi khi có lỗi kỹ thuật. Do đó, doanh nghiệp đã làm hồ sơ trực tuyến mà chưa nhận được phản hồi có thể mang hồ sơ giấy đến để được xác nhận và giải quyết nhanh nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí đang chuẩn bị thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và đề xuất tiến tới cấp giấy phép lao động trực tuyến doanh nghiệp, người dân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết ngay tại nhà. Việc này sẽ giúp hạn chế các vấn đề phát sinh khi tiếp xúc trực tiếp, tạo sự minh bạch để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm khi đến thành phố đầu tư, kinh doanh.