Tọa đàm nhằm mục tiêu để các chuyên gia, doanh nghiệp và các bên liên quan đưa ra góp ý và đề xuất kiến nghị cho Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Tháng 2/2021, Bộ Công Thương đã công bố Dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII nhằm đưa ra lộ trình sản xuất điện trong 10 năm tới. Theo đó, Dự thảo Quy hoạch điện VIII được xây dựng dựa trên Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, với hai định hướng chính: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch” và “ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý”.
Việc tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên cho thấy dự thảo mới có sự thay đổi so với Quy hoạch điện VII vốn tập trung vào phát triển một loạt nhà máy nhiệt điện than để chạy đua với nhu cầu tăng trưởng điện năng trong nước.
Đánh giá những bất cập ảnh hưởng tới tính khả thi của Quy hoạch điện VIII, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Green ID kiêm Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho biết: Các dự báo và khuyến nghị mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) chỉ ra rằng việc tiếp tục phát triển điện than gây ra hàng loạt hệ lụy với xã hội và nền kinh tế; gây bất lợi về năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và ngay cả Trung Quốc, khi các nước trên đều đồng thuận đánh thuế carbon lên hàng hóa của các nước sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch. Đây là vấn đề có tính chiến lược mà các bộ, ngành quản lý, trong đó có Bộ Công Thương có trách nhiệm tính toán và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia thuộc lĩnh vực năng lượng và kinh tế, các đại diện thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã thảo luận đến những vấn đề chính như: Những rủi ro lớn mà ngân hàng thương mại đối mặt khi tài trợ vốn vào nhiệt điện than; tác động của nhiệt điện than đến sức khỏe; tính pháp lý của dự án điện mặt trời áp mái kết hợp với nông nghiệp... nhằm mong muốn xây dựng được Quy hoạch điện VIII có hiệu quả, có tính khả thi khi đi vào triển khai, thực hiện.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, các doanh nghiệp tham gia tọa đàm đã đề xuất một số kiến nghị, giải pháp như: Đề xuất phát triển nguồn điện phù hợp và sớm có kế hoạch liên kết lưới điện khu vực để mua bán, trao đổi điện năng giữa các nước; cần làm rõ cơ sở để xây dựng Quy hoạch Điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Đặc biệt, cần thiết phải có những cơ chế, chính sách cụ thể và rất đặc thù để có thể triển khai thành công các dự án điện nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.