Diễn đàn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan gặp gỡ, trao đổi những giải pháp đổi mới sáng tạo và các kinh nghiệm của Hà Lan trong lĩnh vực nước, nông nghiệp và hậu cần nhằm giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.
Theo đó, các chuyên gia, diễn giả và doanh nghiệp Hà Lan đã đưa ra những đánh giá về khó khăn, thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ đối mặt như xâm nhập mặn, nước biển dâng, cạn kiệt nguồn nước ngầm đã kìm hãm Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mọi mặt như: kinh tế - xã hội, giáo dục, nông nghiệp... Làm thế nào để nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ gia tăng số lượng mà còn về chất lượng? Làm thế nào để đồng bằng có thể sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả để nâng cao giá trị từ nguồn tài nguyên vốn có? Thách thức lớn nhưng nguồn lực hạn chế? Vì thế, Đồng bằng sông Cửu Long cần có sự chung tay của Chính phủ, cộng đồng trong và ngoài nước.
Theo Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam - Elsbeth Akkerman, với 18 triệu người sống phụ thuộc vào nền kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất màu mỡ và tiềm năng phát triển, vì vậy, không thể để mất kho báu thiên nhiên này.
"Điều này đòi hỏi cách tiếp cận tổng hợp, liên ngành hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, có giá trị cao bằng cách phát triển các đầu mối kinh doanh nông sản để chế biến, gia tăng giá trị; cải thiện giao thông, hậu cần bao gồm cả đường thủy nội địa. Nếu được thực hiện đúng cách, sẽ cho phép chúng ta khai thác toàn bộ tiềm năng của Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với sự phát triển kinh tế này, cũng cần phải bảo vệ môi trường và đảm bảo quản lý nước tốt để bảo vệ các vùng nước ngọt và ven biển, cải thiện chất lượng nước. Nói cách khác cần làm việc với thiên nhiên thay vì chống lại nó", bà Elsbeth Akkerman đề xuất.
Để cụ thể hóa những dự án hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Lan đã đầu tư khoảng 50 triệu USD từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân cho các dự án và sáng kiến tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Vĩnh Long, Chính phủ Hà Lan đã ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại 19,5 triệu USD cho dự án trị giá 202,2 triệu USD hỗ trợ tỉnh này thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ người dân trước rủi ro lũ lụt. Khoản viện trợ này được tỉnh Vĩnh Long dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước ở thành phố Vĩnh Long.
Từ những dự án đã và đang triển khai hỗ trợ các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Nâng cao chất lượng trái cây Việt Nam; Trữ nước ở Đồng bằng sông Cửu Long; Dự án chuyển đổi rác thải nông nghiệp thành năng lượng ở tỉnh Hậu Giang; Dự án trung tâm logistics và cảng hạ lưu Cái Mép Hạ,... các chuyên gia, nhà khoa học của Hà Lan đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân đồng bằng thuận thiên với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường và giải pháp quản lý nguồn nước vừa đảm bảo sinh hoạt vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp,...
Theo chuyên gia nước Hà Lan - Sepehr Eslami, xâm nhập mặn tăng cao trong thời gian ngắn; hệ thống nước ngầm bị sử dụng quá mức ở khu vực nông thôn là vấn đề cần sớm triển khai các giải pháp để hạn chế vấn nạn sụt lún đất hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Những giải pháp cần được triển khai như hướng dẫn người dân thay đổi phương thức canh tác giúp thích ứng với xâm nhập mặn và sụt lún đất; tưới tiết kiệm thay thế cho tưới tràn; lưu trữ lượng nước ngọt sâu dưới lòng đất vừa cung cấp được nước vào mùa khô vừa giảm được tình trạng sụt lún; lắp đặt hệ thống thẩm thấu nước ngọt (dự án đã và đang triển khai ở tỉnh Trà Vinh)...
Mặc dù là quốc gia nhỏ nhưng Hà Lan có lợi thế về kỹ thuật canh tác nông nghiệp, logistics, cảng biển, quản lý nguồn nước… trong khi Đồng bằng sông Cửu Long lại có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhu cầu hoàn thiện hạ tầng logistics, nguồn lao động dồi dào… Đây là nền tảng để hai bên có thể phối hợp và hỗ trợ tốt cho nhau.
"Hà Lan có thể cung cấp các giải pháp hữu hiệu giúp Đồng bằng sông Cửu Long giải quyết các thách thức về cơ sở hạ tầng cứng cũng như về biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và ngược lại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ phía Hà Lan để khai thác tốt lợi thế, tiềm năng trong thời gian tới", ông Nguyễn Tiến Công - Chủ tịch VCCI nhận định.