Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, năm 2020, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Hà Nam đã tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện và lựa chọn được 25 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Tại hội nghị, đơn vị tư vấn đã giới thiệu về các sản phẩm được chọn tham gia đánh giá, xếp hạng, làm rõ thêm về một số nội dung được các thành viên hội đồng quan tâm như: nguồn gốc, nguyên liệu làm sản phẩm, quá trình thực hiện đánh giá, tiêu chí đánh giá, hạn chế của một số sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Kết quả, Hội đồng đánh giá, xếp hạng các sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam năm 2020 đã nhất trí thông qua 23 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao đạt từ 70 đến 80,3 điểm gồm: sấu chua ngọt, ngô nếp tươi, kẹo sìu châu (chi nhánh Công ty cổ phần Thực phẩm Mai Chi tại Hà Nam); sữa tươi thanh trùng, sữa chua nếp cẩm (Công ty cổ phần Sữa và giống bò Mộc Bắc); cá kho, chả cá rô phi và ruốc cá trắm (Hợp tác xã Thủy sản sông trong ao Hải Đăng); 15 sản phẩm OCOP 3 sao đạt từ 53,9 đến 73,9 điểm. Đây là những sản phẩm có chất lượng tốt, đã qua chế biến, mẫu mã đa dạng, bao bì đẹp mắt, thuộc nhóm hàng thực phẩm và các sản phẩm thủ công.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho biết, Chương trình OCOP hướng tới mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh Hà Nam đã có 41 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; trong đó có 16 sản phẩm OCOP 4 sao, 25 sản phẩm OCOP 3 sao.
Để Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm OCOP.
Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, chủ các cơ sở sản xuất có sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cần chủ động, mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất để cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bởi vì sau 3 năm, sản phẩm OCOP sẽ phải đánh giá, bình xét, xếp hạng lại. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ thể sản xuất tiếp tục hoàn thiện những nội dung chưa đạt để tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.