Sở Công Thương Hà Nội dự báo: Mức tiêu thụ hàng hóa tại thành phố thời điểm từ tháng 12/2010 và tháng 1 – 2/2011 sẽ tăng cao. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Tân Mão 2011 tăng khoảng 20 - 22% so với các tháng khác trong năm; ước khoảng 20.200 tỷ đồng/tháng và chỉ số giá tiêu dùng thời điểm này sẽ tăng mạnh. Để góp phần kiềm chế sự gia tăng giá cả, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các cấp ngành chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn trên địa bàn dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đẩy giá lên cao.
Tổng Công ty Lương thực miền Bắc chuẩn bị 2.600 tấn gạo các loại, Công ty Xăng dầu khu vực I dự trữ 40 triệu lít xăng dầu, Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát chuẩn bị trên 75 triệu lít rượu bia các loại, Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội sẽ đưa ra thị trường khoảng 400 tấn bánh, mứt, kẹo các loại. Theo đó, Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Công ty Thực phẩm Vinh Anh, Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty TNHH chăn nuôi Việt Hưng dự trữ đưa ra thị trường 900 tấn thịt lợn sạch, 1.000 tấn thịt gia cầm an toàn. Các trung tâm thương mại Metro Thăng Long, Big C, hệ thống siêu thị Intimex, Fivimart, Coop Mart dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng số tiền hàng trên 1.200 tỷ đồng. Đặc biệt, Tổng công ty Thương mại Hà Nội và các đơn vị thành viên dự trữ 17 mặt hàng, gồm thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm các loại, trứng gia cầm, thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến, dầu ăn, rượu, bia, nước ngọt, bánh, mứt, kẹo và rau, củ, quả các loại... với tổng trị giá khoảng 785 tỷ đồng.
Đối với 14 doanh nghiệp được thành phố cho tạm ứng 400 tỷ đồng vốn bình ổn giá đã dự trữ đầy đủ 9 nhóm mặt hàng thiết yếu sẵn sàng phục vụ Tết, tương ứng gần 10% so với tổng mức tiêu thụ 9 nhóm hàng thiết yếu của thành phố. Cộng với số tiền các doanh nghiệp chủ động dự trữ thì tổng lượng 9 nhóm mặt hàng dự trữ phục vụ công tác bình ổn đáp ứng trên 15% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố.
Trong thời gian bán hàng phục vụ Tết, đa phần các doanh nghiệp kinh doanh đều chủ động chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, đóng cửa muộn và mở cửa sớm hơn so với thường lệ. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị có kế hoạch phục vụ tới tối 30 Tết và ngày mùng 3 Tết đã mở cửa trở lại.
Đinh Thị Thuận