Hội thảo nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghề nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. Các giải pháp như tiếp tục tổ chức các sự kiện kết nối giao thương, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; đồng thời xây dựng "câu chuyện lịch sử các sản phẩm hấp dẫn" là vấn đề được các chủ thể rất quan tâm chú trọng nhằm nâng giá trị, quảng bá sản phẩm OCOP...
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã; trong đó, có 12 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 301 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu, ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí...
Để đẩy mạnh phát triển chương trình OCOP, thời gian qua Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều chương trình xây dựng, phát triển và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và được UBND thành phố Hà Nội công nhận 1.054 sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%). Chương trình OCOP thu hút sự tham gia của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết được trên 5.000 lao động khu vực nông thôn.
Đặc biệt, Hà Nội có 1.054 sản phẩm OCOP được công nhận phần lớn thuộc nhóm các ngành nghề nông thôn. Cụ thể, có 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,6%), 30 sản phẩm đồ uống (chiếm 2,8%), 7 sản phẩm thảo dược (chiếm 0,7%), 27 sản phẩm vải, may mặc (chiếm 2,6%), 299 sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí (chiếm 28,4%).
Cùng với việc phát triển các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ nói riêng, OCOP nói chung, UBND thành phố Hà Nội chủ trương đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm. Riêng năm 2020, Hà Nội đã tổ chức thành công 4 sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các vùng miền trên cả nước. Tại đó, có ít nhất 500 biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các chủ thể có sản phẩm OCOP và hệ thống phân phối được ký kết.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, thời gian tới Sở sẽ phối hợp với các sở ngành của thành phố tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn cho chủ cơ sở sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP; hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn tín dụng; quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại với các đối tác trong và ngoài nước để sản phẩm của các làng nghề nói riêng, OCOP nói chung có cơ hội xuất khẩu sang nước ngoài.
Bà Nguyễn Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương cho biết, chương trình OCOP của Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước, đây là điều đáng tự hào của Thủ đô song cũng đặt ra yêu cầu các sản phẩm phải đi đôi với chất lượng, phát triển tương xứng với tiềm năng.
Để phát triển sản phẩm OCOP một cách bền vững thì từ các chủ thể cần duy trì chất lượng sản phẩm đồng đều, nghiên cứu thị trường, gắn với nhu cầu thị hiếu để tránh sản xuất đồng loạt, tràn lan. Trước hết phải đứng vững ở thị trường trong nước sau đó vươn ra thị trường nước ngoài, kết nối tiêu thụ một cách bài bản, hiệu quả như: thông qua các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm; triển khai ứng dụng chuyển đổi số...
Tại hội thảo, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Hà Nội, các chủ thể và đơn vị phân phối đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa hai bên.