Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để bảo đảm cung ứng mặt hàng quan trọng này, thành phố Hà Nội luôn yêu cầu các đơn vị dự trữ nguồn hàng lớn hơn 10% so với nhu cầu.
Hiện nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội bình quân khoảng 146.500 m3/tháng trong khi lượng dự trữ, cung ứng xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu phục vụ nhu cầu trên địa bàn Hà Nội đạt 170.000 m3/tháng.
Do đó, tình hình cung cấp xăng dầu hiện nay vẫn đáp ứng đủ nhu cầu, không có tình trạng khan hàng, đứt gãy nguồn hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, không có tình trạng đóng cửa ngừng bán hàng do thiếu hàng. Các doanh nghiệp cam kết duy trì, bảo đảm đầy đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong hai ngày nay, một số người dân Hà Nội có tâm lý lo lắng đã đổ xô đi mua xăng do giá xăng dầu trên thế giới tăng cao. Theo Sở Công Thương Hà Nội, do chưa đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu (dự kiến ngày 11/2) nên chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu để cho các thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ, thương nhân nhượng quyền thương mại giảm xuống thấp. Tại khu vực phía Nam đã có hiện tượng nhiều cửa hàng xăng dầu tạm ngừng kinh doanh hoặc có dấu hiệu “găm hàng”.
Qua kiểm tra, đánh giá, 491 trong tổng số 493 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Hà Nội vẫn đang hoạt động bình thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân. Hai cửa hàng còn lại là cửa hàng tại 125 Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy của Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội và Cửa hàng xăng dầu Nam Trung Yên (tại đường Mạc Thái Tông, quận Cầu Giấy) hiện đã có văn bản của Sở cho phép ngừng bán hàng để sửa chữa cửa hàng và giải quyết tranh chấp từ cuối năm 2021.
Tại cửa hàng xăng dầu 112 Trần Phú (quận Hà Đông, Hà Nội), trong hai ngày gần đây, nhu cầu của khách hàng đã tăng lên khoảng 1,5 lần so với ngày thường. Trong đó, rất nhiều ô tô tới mua xăng và đều mua đầy bình.
Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Tập đoàn Hà Thành Hoàng Thị Lệ Mỹ cho biết, cửa hàng xăng dầu tại 112 Trần Phú nằm ở vị trí quan trọng, đông dân cư nên trước nhu cầu tăng cao của người dân, cửa hàng đã tăng cường nhân viên, bán hàng liên tục từ 4 giờ 30 phút sáng tới 24 giờ đêm. Với mức chiết khấu hiện nay, doanh nghiệp đang chịu lỗ. Tuy nhiên, phía công ty vẫn chỉ đạo cung ứng, tổ chức bán hàng đầy đủ phục vụ nhân dân, chấp nhận lỗ trong ngắn hạn để giữ uy tín cho doanh nghiệp và ổn định thị trường.
Tại cửa hàng xăng dầu số 171 Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), hoạt động mua bán xăng dầu vẫn diễn ra bình thường với đủ số lượng các cột bơm xăng hoạt động. Giám đốc Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu Đỗ Hoàng Hà cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết năm nay, sản lượng kinh doanh của xí nghiệp đã tăng trưởng tăng 4% so với Tết năm trước, trong tháng 1/2022 đã cung ứng ra thị trường 36 nghìn m3 xăng dầu. Tuy nhu cầu tăng cao nhưng xí nghiệp luôn sẵn sàng phương án bảo đảm đủ nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Hà Nội trước, trong và sau Tết. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về nguồn cung xăng dầu.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì hiện nay chiết khấu không đủ bù đắp chi phí, mỗi lít xăng bán ra lỗ từ 50 - 200 đồng (chưa tính chi phí điện nước và trả lương công nhân).
Do đó, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp đầu mối cân đối nguồn cung ứng xăng dầu đầu vào, có các phương án thay thế, không để phụ thuộc vào một nguồn hàng, gây ra tình trạng thiếu hàng khi nguồn hàng xảy ra sự cố. Đặc biệt, doanh nghiệp đầu mối cần làm tốt công tác dự báo và kế hoạch nguồn hàng trong dài hạn, có phương án ứng phó với các biến động có thể xảy ra, nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong năm 2022, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thành phố Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định kinh doanh xăng dầu hiện hành, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo (nhất là thời gian có biến động về nguồn cung, giá cả, lưu thông khó khăn…) và sẽ xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm.