Hà Nội: Mô hình quản lý chợ cần minh bạch, mới tránh được nạn bảo kê

Chợ là nơi giao thương buôn bán, trao đổi các sản phẩm, hàng hóa. Tùy theo cấp độ, quy mô, loại hàng hóa sẽ có phân cấp quản lý khác nhau. Trong các mô hình quản lý chợ như hiện nay tại Hà Nội, mô hình nào dễ phát sinh tiêu cực, bảo kê?

Bốn mô hình chợ Thủ đô

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phổ có 454 chợ, gồm: 15 chợ hạng 1 (chiếm 3,3%), 59 chợ hạng 2 (chiếm 13%), 331 chợ hạng 3 (chiếm 72,9%) và 49 chợ chưa phân hạng (chiếm 10,8%).

Chú thích ảnh
Các quầy hàng hoa quả tại chợ Long Biên

Các chợ trên địa bàn Thành phố được quản lý theo 4 mô hình: Ban quản lý (67 chợ); Tổ quản lý hoặc xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý (229 chợ); doanh nghiệp quản lý (106 chợ), hợp tác xã quản lý (52 chợ).

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, việc quản lý chợ trên địa bàn, trong đó có chợ đầu mối, đã có sự phân cấp giữa Sở Công Thương và UBND cấp quận huyện. Theo đó, Sở Công thương chỉ xét duyệt phân hạng, bố trí ngành hàng, còn việc thành lập ban quản lý, thành lập Ban chỉ đạo thuộc về trách nhiệm của địa địa phương.

Đối với chợ đầu mối và chợ hạng 1 tại Hà Nội,  công tác quản lý còn gặp bất cập, lý do là dù việc bố trí ngành hàng đã được Sở Công Thương duyệt, tuy nhiên ban quản lý chợ vẫn để các hộ bày bán, lấn chiếm, vi phạm thiết kế ban đầu. Sở trong quá trình kiểm tra đã yêu cầu các quận huyện chấn chỉnh những tồn tại này.

Đánh giá về khả năng xảy ra nạn bảo kê tại các chợ, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, nguyên Phó giám đốc thường trực Sở Thương mại Hà Nội (phụ trách chợ và siêu thị) cho biết: Bảo kê chỉ xuất hiện ở những chợ buôn bán sầm uất, đông đúc như chợ Long Biên, và trước kia là chợ Đồng Xuân. Còn những chợ vắng vẻ như chợ Láng Hạ, Nghĩa Đô... thì không có hoặc rất ít có bảo kê.

Thời kỳ ông Vũ Vinh Phú làm lãnh đạo Sở Thương mại Hà Nội, các băng nhóm xã hội đen như Khánh Trắng, Phúc Bồ bảo kê tại chợ Đồng Xuân cũng nảy sinh từ chính sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng tại chợ này, trong khi nhu cầu mua bán quá cao.

“Không đấu thầu công khai minh bạch, hạ tầng yếu kém, cùng với sự buông lỏng quản lý của chính quyền phường, quận là những nguyên nhân sâu xa phát sinh bảo kê tại chợ. Không chỉ ảnh hưởng đến những người buôn bán trong chợ, mà nó đẩy giá hàng hóa lên cao, tác động đến cả người sản xuất và người tiêu dùng. Tiểu thương tính cả các chi phí không chính thức như tiền giữ xe, bến bãi vào giá bán”, ông Phú cho biết.

Đánh giá về việc “bảo kê” tại chợ Long Biên mà báo chí chỉ ra mới đây, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: Chợ Long Biên vốn chỉ là chợ dân sinh nhưng đang phải gánh “sứ mệnh” như chợ đầu mối nên chật chội, thiếu cơ sở hạ tầng. Chỗ đỗ xe, chỗ buôn bán đắt đỏ nên mới phát sinh bảo kê.

Khảo sát tại một số mô hình chợ tại Hà Nội cho thấy, nếu việc quản lý công khai minh bạch sẽ hạn chế tiêu cực. Nếu không có quy định rõ ràng sẽ nảy sinh tiêu cực liên quan đến các khoản đóng góp sửa chữa, xây dựng hoặc các vị trí chỗ ngồi tại chợ với các mức giá khác nhau, thu tiền không có hóa đơn, phiếu thu...

Chợ trung tâm Đồng Xuân (Hoàn Kiếm) trước đây từng có nạn bảo kê do “Khánh trắng” cầm đầu, sau thời gian chấn chỉnh hiện hoạt động theo mô hình doanh nghiệp quản lý. Chị Bích Ngọc, chủ một cửa hàng bán quần áo trên tầng 2 chợ Đồng Xuân cho biết: "Mỗi năm, chúng tôi phải đóng thuế môn bài 1 triệu đồng; tiền thuê đất 5 năm một lần, giá cả thuê đất tùy vào vị trí, những ki ốt đẹp, rộng rãi có giá khoảng 1 triệu đồng/tháng, còn những ki ốt ở giữa chợ có giá khoảng 500.000 đồng/tháng. Các tiểu thương còn phải đóng tiền điện khoảng 100.000 đồng/tháng, tiền vệ sinh và bảo vệ khoảng 160.000 đồng/tháng.

Chú thích ảnh
Một góc chợ Đồng Xuân

Khâu dễ phát sinh nạn bảo kê là việc bốc dỡ hàng hóa cũng được đơn vị quản lý chợ Đồng Xuân công khai. Trước đây, tại chợ Đồng Xuân cũng có một số lao động tự do tới nhận bốc vác thuê với giá 10.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá của tổ bốc vác là 20.000 đồng/bao. Vì vậy có xảy ra việc tổ bốc vác "làm khó" những người lao động tự do bốc vác thuê.

“Chúng tôi đã khiếu nại với ban quản lý chợ và hai bên đã thống nhất giảm giá xuống 15.000 đồng/bao. Chúng tôi cũng muốn thuê tổ bốc vác của chợ vì những người này hoạt động có tổ chức, lai lịch rõ ràng. Nếu thuê bên ngoài, tuy rẻ hơn một chút nhưng nếu họ vác hàng đi mất sẽ không biết tìm ai. Do vậy, sau khi thỏa thuận hợp lý cả hai bên đã thống nhất với giá 15.000 đồng/bao", chị Ngọc cho biết.

Trong khi đó, chợ Mơ (Hai Bà Trưng) hoạt động lồng ghép giữa trung tâm thương mại và chợ truyền thống với quy định công khai đã hạn chế tiêu cực. Chị Nguyễn Minh Trang, chủ một sạp bán vải tại chợ Mơ cho biết: "Trước khi vào đây bán hàng, các tiểu thương ở chợ đã được họp với ban quản lý chợ để thống nhất về mức thu hàng tháng. Theo đó, tiền điện khoảng 100.000 đồng một bóng đèn. Tiền thuế đóng cho nhà nước với các hộ kinh doanh 200.000 đồng/tháng, tiền thuê đất đóng cho ban quản lý chợ, mức tiền thuê đất tùy thuộc vào diện tích, vị trí của từng cửa hàng".

“Bên cạnh đó, một số khoản như tiền vệ sinh, tiền bảo vệ… có quy định giá, chúng tôi không phải đóng bất cứ khoản tiền nào khác, không phải lo lắng tình trạng bảo kê không cho đưa hàng vào chợ”, chị Nguyễn Minh Trang cho biết.

Theo đại diện Ban quản lý Chợ Mơ, trước khi vào chợ kinh doanh, các tiểu thương đã được họp bàn và thống nhất về các mức giá cả thuê đất, vệ sinh, bảo vệ… Do vậy, các tiểu thương yên tâm khi kinh doanh nên không có nạn bảo kê hay tranh dành vị trí kinh doanh trong chợ. Mọi cửa hàng đã được phân định rõ ràng, có lực lượng bảo vệ trông coi.

Trong khi đó tại chợ Nghĩa Đô (Cầu Giấy) được đưa vào hoạt động từ năm 2007 theo hình thức Ban quản lý. Các tiểu thương ở đây cho biết, tùy theo vị trí có giá khác nhau, dao động từ 1,2 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng. Với những vị trí buôn bán nhỏ như hàng xôi, rau thì thuê 3 tháng/lần; còn các ki ốt, hàng thịt cá đóng tiền thuê theo năm. Bên cạnh đó, tiền điện với hộ dùng ít là 25.000 đồng/số; hồ dùng nhiều thường xuyên thu 10.000 đồng/số. “Khi nào có đợt sửa chữa, cải tạo thì Ban quản lý chợ lại thu tiếp theo hình thức tự nguyên đóng góp, lúc thì 500.000 đồng/ki ốt; lúc thì 1 triệu đồng/ki ốt”, bà Linh cho biết.

Cùng với những hộ cố định là thu tiền với những tiểu thương không thường xuyên quanh chợ, mức thu phí theo diện tích chỗ ngồi và ngành hàng. Đối với chỗ bán hàng rau quả, nhân viên quản lý chợ thu 20.000 đồng/ngày, còn chỗ bán quần áo thu 150.000 đồng/ngày. Điểm đáng chú ý là việc thu này thường không có hóa đơn, phiếu thu.

Vai trò quản lý của địa phương có tính quyết định

Theo phân cấp, các chợ trên địa bàn Hà Nội đã bàn giao về các quận huyện quản lý, Sở Công thương phê duyệt các mã ngành hàng tại chợ. Việc ban hành quy định mức giá dịch vụ, thuê ki ốt… đều do chính quyền địa phương phê duyệt. Do đó, việc quy định các khoản thu, đầu tư xây dựng, sửa chữa nếu làm công khai minh bạch, họp bàn dân chủ với tiểu thương sẽ hạn chế tiêu cực với các tiểu thương.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mô hình quản lý nào cũng có những ưu nhược điểm riêng. Có những địa phương, doanh nghiệp mua cả khu ruộng trống để xây dựng, đầu tư chợ. Mô hình hợp tác xã quản lý tại chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh), chợ đầu mối tại Đồng Nai hoạt động cũng rất tốt. Tuy nhiên về xu hướng sẽ chuyển dần cho tư nhân quản lý chợ, hoặc mô hình hợp tác công tư PPP.

Thực tế, một số tỉnh thành trên cả nước đã có cơ chế, chính sách đặc thù đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia quản lý chợ nhưng quá trình xã hội hóa còn chậm. Đến cuối năm 2017, cả nước mới có 1.337/8.533 chợ do các HTX, DN quản lý.

Chú thích ảnh
Một góc chợ Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội)

Về tình trạng bảo kê xảy ra tại chợ Long Biên, bà Lê Việt Nga đề nghị phải nhìn ở nhiều góc độ, trong đó có vai trò quản lý của lãnh đạo quận, phường sở tại. “Bảo kê không nảy sinh từ mô hình quản lý. Mỗi chợ một kiểu, khác nhau. Chợ do doanh nghiệp quản lý cũng có thể có dân “xã hội đen” bảo kê. Chợ do nhà nước quản lý thì phải xem trách nhiệm của cán bộ nhà nước. Tôi muốn nhấn mạnh sự minh bạch. Mô hình quản lý nào cũng cần sự minh bạch”.

Bà Nga cho biết thêm: “Quản lý chợ liên quan rất nhiều khâu, thuộc trách nhiệm nhiều cơ quan. Quản lý về mặt thương mại là Bộ Công Thương, quản lý chất lượng hàng tại chợ đầu mối là Bộ Nông nghiệp, vệ sinh trong chợ là thuộc ngành môi trường, còn an ninh là thuộc về công an. Đối với tình trạng bảo kê thì công an phải vào cuộc mới xác định được vi phạm và xử lý được tình trạng này, ngành công thương không thể can thiệp, thậm chí còn bị liên lụy”.

So sánh với quản lý nước ngoài, ông Vũ Vinh Phú cho hay: Chợ đầu mối tại Tây Ban Nha rộng 100 ha, trong khi chợ Long Biên chỉ 1-1,5 ha. Hạ tầng cơ sở quá tải, xe nào cũng muốn vào chợ trong khi chợ nằm trong trung tâm thành phố. Thời kỳ lập quy hoạch chợ cách đây gần 20 năm, chúng tôi đã kiến nghị di dời chợ Long Biên nhưng đến nay vẫn chưa di dời. Chợ chật chội trong khi tiểu thương có nhu cầu lớn về buôn bán nên nảy sinh tranh giành, độc quyền, đầu gấu bắt nạt tiểu thương.

"Cơ quan quản lý phải quan tâm nhiều hơn đến cải tạo chợ, hiện có sự lệch pha trong đầu tư cho chợ và siêu thị. Đơn vị quản lý chợ phải đấu thầu công khai, minh bạch, cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ ngăn chặn tình trạng bảo kê", ông Phú cho biết.

 

Nhóm phóng viên/Báo Tin tức
Nên giảm số lượng loa phường, tìm giải pháp phát huy hiệu quả thiết bị thông minh
Nên giảm số lượng loa phường, tìm giải pháp phát huy hiệu quả thiết bị thông minh

Đợt khảo sát ý kiến người dân về loa phường trên Cổng thông tin Hà Nội sau một năm chủ trương tạm dừng hệ thống loa, triển khai thí điểm thiết bị thông minh, lại lần nữa nhận được chú ý của dư luận. Những người dân tham gia thí điểm sử dụng thiết bị thông minh cho rằng bỏ hẳn loa phường cần có lộ trình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN