Lý giải vì sao giá NTNT tại Đà Nẵng Vicoland làm chỉ 5,3 triệu đồng/m2, tại Huế là 6,3 triệu đồng/m2 còn tại Hà Nội lại có giá bằng với nhà thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Bùi Đức Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vicoland cho biết, giá NTNT tại Đà Nẵng rẻ là do khu vực xây NTNT đã có hạ tầng, điện, nước đến tận chân công trình. Còn khu vực Pháp Vân - Tứ Hiệp (địa điểm xây dựng NTNT tại Hà Nội) hoàn toàn chưa có hạ tầng. Do đó, doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người bị thu hồi đất, khoan khảo sát địa chất, xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống điện…).
Một góc khu chung cư tại lô 19A thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) đã hoàn thành, chuẩn bị được đưa vào khai thác. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
“Thành phố Hà Nội chỉ tạo điều kiện về địa điểm còn tất cả các khoản chi phí thì doanh nghiệp phải lo. Chính vì thế, tính tổng chi phí, chúng tôi dự kiến giá NTNT ở Hà Nội phải từ 11 – 14 triệu đồng/m2”, ông Long cho nói.
Vẫn ông Long cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã chính thức giao cho Vicoland làm chủ đầu tư dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại khu Pháp Vân - Tứ Hiệp. Với dự án này, giai đoạn I, Vicoland sẽ xây dựng khoảng 650 căn hộ, trong các tòa nhà thiết kế 19 tầng nổi và 1 tầng hầm. Hiện nay, Vicoland đang trong giai đoạn lên kế hoạch xúc tiến đầu tư. Dự kiến, khoảng cuối năm 2011 sẽ khởi công dự án này.
Anh Ngô Cao Thắng, công nhân Xí nghiệp thoát nước Hà Nội cho rằng, NTNT mà giá từ 11 – 14 triệu đồng/m2 là quá cao và vô lý. Bởi, triển khai dự án NTNT thì việc bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ theo giá Nhà nước quy định chứ không phải giá thỏa thuận như các dự án nhà ở thương mại. Do đó, chi phí cho việc này không thể cao bằng các dự án thương mại. Thứ hai, do dự án chỉ tập trung làm NTNT nên chủ đầu tư sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí như tư vấn, khảo sát thiết kế, mẫu nhà, đến việc mua bán vật liệu xây dựng khối lượng lớn. Thứ ba, triển khai loại nhà này, Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn giá rẻ chứ không phải vốn với lãi suất thỏa thuận… Do đó, giá NTNT mà Vicoland dự kiến là quá cao so với các chi phí đầu vào và không phù hợp với khả năng thanh toán của người thu nhập thấp.
Nên phát triển nhà ở cho thuê
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam băn khoăn, có rất nhiều mâu thuẫn trong câu chuyện NTNT hiện nay. Trước hết đó là vấn đề nếu người thực sự có thu nhập thấp thì không thể có khả năng mua nhà. Bởi, người được coi là thu nhập thấp là người có mức thu nhập không phải chịu thuế (tức dưới 5 triệu đồng/tháng). Trong khi đó, người có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng ở Hà Nội thì khó có khả năng tích lũy để mua nhà do hàng tháng phải chi phí nhiều cho các khoản như thuê nhà, tiền điện, nước, sinh hoạt phí… Thứ hai, trên thực tế, việc mua – bán NTNT trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cho thấy, người thu nhập thấp có khả năng mua được NTNT là không nhiều. Bằng chứng là tại Khu đô thị Đặng Xá, mới đang xây hơn 900 căn nhà mà phải bán trầy trật từ tháng 3 đến nay chưa xong. Giá NTNT ở Đô thị Đặng Xá công bố là hơn 11 triệu đồng/m2. “Do đó, nếu chính quyền thành phố Hà Nội thực sự muốn giải quyết vấn đề nhà ở cho những người có thu nhập thấp trên địa bàn thì phải tính giải pháp tạo lập quỹ nhà khác. Nếu không, xây nhiều NTNT mà người có nhu cầu không thể với tới, quỹ nhà này sẽ ế. Hậu quả sẽ như quỹ nhà thương mại hiện nay”, TS Liêm cảnh báo.
Kỳ vọng của người thu nhập thấp ở Hà Nội đã trở thành thất vọng khi lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland (doanh nghiệp xây dựng Đà Nẵng được Hà Nội mời ra xây nhà thu nhập thấp (NTNT) tại Hà Nội) mới đây cho biết, doanh nghiệp này sẽ triển khai một dự án lớn xây NTNT tại một địa điểm ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, mức giá dự kiến của NTNT ở đây sẽ vào khoảng từ 11 - 14 triệu đồng/m2, không thấp như các địa phương khác. |
Đồng thuận quan điểm của TS Liêm, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng Phòng phát triển Nhà ở, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, căn cứ vào khả năng chi trả của người thu nhập thấp thì Hà Nội nên phát triển quỹ nhà cho thuê. Bởi nếu đúng là người thu nhập thấp thì không thể có điều kiện để mua NTNT. Từ thực tế mua - bán NTNT thời gian qua cho thấy, người thu nhập thấp để mua được nhà thì phải vay thêm nguồn tiền của gia đình, họ hàng, bạn bè, nhưng không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Do đó, có thể tập trung phát triển nhà ở cho thuê, để tạo thêm điều kiện có nhà ở cho người thu nhập thấp.
Phòng phát triển Nhà ở (Sở Xây dựng Hà Nội) đang nghiên cứu về khả năng sẽ trình thành phố quy định trong các dự án phát triển đô thị mới trên địa bàn từ nay trở đi, chủ đầu tư phải xây dựng một tỉ lệ nhất định nhà ở cho thuê. Ví dụ quỹ nhà này bằng khoảng 10% tổng quỹ nhà ở trong đô thị. Quy định này sẽ giống như quy định các chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất trong đô thị có diện tích từ 10 ha trở lên để xây NTNT.
“Dự thảo vấn đề này chúng tôi đang lấy ý kiến các sở, ngành, Bộ Xây dựng. Theo chúng tôi biết, Bộ Xây dựng cũng đồng thuận với quan điểm của Sở về phát triển quỹ nhà ở cho thuê. Nên nếu nhận được sự ủng hộ của các ban, ngành trên địa bàn, quy định này sẽ sớm thành hiện thực…”, ông Đạm lạc quan.
Xuân Hương