Theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bến xe này có diện tích gần 7,4 ha, được xây dựng đoạn nút giao giữa quốc lộ 3 và đường Vành đai 3. Quy mô của bến xe gồm: nhà điều hành cao 3 tầng, khu vực nhà chờ cho xe khách và bãi đỗ các loại phương tiện giao thông công cộng, điểm đầu cuối xe buýt cao một tầng. Bến xe được bố trí 148 chỗ đỗ, đảm nhận vai trò vận tải hành khách từ Hà Nội đi các tỉnh miền núi phía Bắc.
Điểm nhấn của quy hoạch bến xe là một công trình dịch vụ thương mại cao 9-12 tầng được bố trí thấp dần về phía khu dân cư xã Uy Nỗ (Đông Anh) để hài hòa với cảnh quan hiện trạng. Ngoài ra, bãi đỗ xe trong khuôn viên bến tại khu vực đón trả khách được bố trí mái che và trồng đan xen cây xanh.
Theo UBND thành phố Hà Nội, quy hoạch bến, bãi đỗ xe đến 2030 tầm nhìn 2050 được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua cuối năm 2018, bến xe Đông Anh là một trong bảy bến liên tỉnh nằm trong kế hoạch phát triển dài hạn các bến xe vệ tinh phục vụ khu vực đô thị trung tâm. Sáu bến xe còn lại gồm: bến phía Bắc 10 ha; phía Đông Bắc (bến Cổ Bi) 10,4 ha; phía Nam 10 ha; Yên Nghĩa 7 ha; phía Tây 5 ha; phía Tây Bắc (Phùng) 15 ha.
Lãnh đạo UBND huyện Đông Anh thông tin, quy hoạch được phê duyệt chính là căn cứ pháp lý quan trọng để địa phương quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn. Thời gian tới, huyện Đông Anh sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Công ty cổ phần tư vấn Xây dựng và Thương mại Hoàng Hà cùng các đơn vị liên quan, tổ chức công bố công khai nội dung đồ án quy hoạch chi tiết được duyệt cho các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện theo quy định.