Hiện, thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học… với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Tại hội thảo, các nội dung quan trọng đều cơ bản được thống nhất và tư vấn thêm về nhóm cơ chế đặc thù và các vấn đề chính, như: sự cấp thiết đầu tư, về các yếu tố kỹ thuật tuyến đường cũng như các vấn đề về chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng; cơ sở tính toán tổng mức đầu tư, suất đầu tư... Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, đây là những tư vấn quý giá với Hà Nội để dự án có sức thuyết phục, đồng thuận.
Bên cạnh đó, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, yếu tố quy hoạch, cảnh quan của tuyến đường vành đai 4 rất quan trọng, cần hài hòa với quy hoạch tổng thể, khi dự án tiền khả thi được phê duyệt phải thi tuyển kiến trúc; cũng cần đặt ra điểm nối của vành đai 4 với sân bay thứ 2 vùng Thủ đô. Dự án phải tính đến việc đầu tư đồng bộ, các nút giao để phân luồng tư xa, mang tính kết nối; cần tính đến yêu cầu phát triển hạ tầng dùng chung giữa các đô thị để thức đẩy quá trình kết nối; trong đó đô thị động lực vùng Hà Nội đóng vai trò quan trọng.
Theo báo cáo tóm tắt nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 4 của đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), tuyến đường vành đai 4 đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100 km/h với thành phần đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; đoạn 4 làn xe và đường bên có tốc độ 60-80 km/h.
Dự án đường vành đai 4 có 3 cầu vượt vượt sông, cụ thể: 2 cầu vượt sông Hồng là: cầu Hồng Hà (dài 5.023m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674m); 1 cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990m)...
Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại từ giai đoạn chuẩn bị (khảo sát bằng thiết bị bay không người lái, công nghệ ảnh hàng không…); giai đoạn thực hiện sử dụng các vật liệu mới như bê tông cường độ cao, siêu cao, mặt đường nhựa polymer với nhiều thiết bị và phương pháp thi công mới… Tại một số đoạn tuyến có nhu cầu liên kết ngang và phát triển quỹ đất hai bên tuyến không cao nghiên cứu trắc dọc đi thấp đảm bảo tần suất thiết kế và các vị trí khống chế để tiết kiệm kinh phí đầu tư. Đơn vị tư vấn cũng đề xuất một số điểm đi thấp để giảm kinh phi đầu tư và bảo đảm quỹ đất và giao thông, phát triển đô thị hai bên một cách hiệu quả.
Chi tiết nội dung tính toán khái toán tổng mức đầu tư, được đơn vị tư vấn nêu rõ: đơn giá giải phóng mặt bằng được tham chiếu theo bảng giá đất năm 2020 của các địa phương liên quan, tính toán theo địa giới huyện và các chế độ chính sách theo quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, hệ số điều chỉnh giá đất đến thời điểm hiện tại.
Đơn giá xây dựng 1 km đường của dự án bao gồm: đơn giá xây dựng 1 km đường cao tốc 17m được tính toán quy đổi từ chỉ tiêu xây dựng đường cao tốc 4 làn xe trong suất vốn đầu tư (quy đổi theo bề rộng nền đường và mặt đường). Với tỷ trọng chi phí mặt đường/nền đường vào khoảng 55/45% (tham chiếu từ các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1). Chỉ tiêu xây dựng 1km đường 94,69 tỷ đồng/km.
Đơn giá xây dựng 1 km đường bên - đường đô thị loại 1 và đường bên đường đô thị loại 2 tham chiếu theo suất đầu tư đường ô tô cấp III đồng bằng và đường ô tô cấp IV đồng bằng với chỉ tiêu 24,07 tỷ đồng/1km; Chỉ tiêu xây dựng cầu 1m2 mặt cầu bình quân 25,71 triệu đồng/m2...
Trước đó, tại cuộc họp với các bộ, ngành, thành phố Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội ngày 18/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật để báo cáo Chính phủ vào cuối tháng 2 và các cấp có thẩm quyền vào đầu tháng 3/2022.
Hiện các bộ, ngành và địa phương liên quan đã cơ bản thống nhất về hình thức đầu tư, các cơ chế chính sách đặc thù để bảo đảm tính khả thi của dự án. Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được đầu tư theo hình thức đầu tư hỗn hợp, chia tách thành 3 dự án thành phần; trong đó dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công (cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn Trung ương và vốn địa phương).
Còn đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT); trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến 94.127 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028.
Một số cơ chế đặc thù tương tự như đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2021 và Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; không kiến nghị cơ chế chuyển đổi hình thức đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập ngay Tổ công tác Dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; trong đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác, làm nhiệm vụ rà soát, thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể bảo đảm tiến độ báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý giữa Trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Trong số đó đoạn qua Hà Nội dài 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.
Việc sớm đầu tư tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội 17 của Đảng bộ thành phố.
Tháng 9/2021, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này. Chủ trương triển khai dự án là những nội dung lớn, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.