Hạ tầng chưa đủ lực

Trong quý IV/2013, Bộ GTVT và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên sẽ đồng loạt khởi công hàng loạt dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (QL) đoạn qua miền Trung và QL14 qua Tây Nguyên sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nhằm kết nối các loại hình giao thông trong vùng và rút ngắn khoảng cách thông thương giữa các vùng kinh tế trọng điểm.


Đồng loạt khởi công các dự án


Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua Phú Yên (Km1265 - Km1353) dài 66,2 km, quy mô 4 làn xe đã được Bộ GTVT và thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) khởi công từ ngày 8/9, mở màn cho việc “nâng đời” hai tuyến đường trọng điểm qua miền Trung, Tây Nguyên là QL1 và QL14. Trước đó, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Bình Định - Phú Yên dài 40,6 km, có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng và “siêu dự án” xây dựng hầm Đèo Cả dài 26,8 km, tổng vốn 17.364 tỷ đồng…

 

QL1 đoạn Thanh Hóa - Nghệ An đang được mở rộng.


Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, dự án mở rộng QL1 qua Phú Yên sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015, nằm trong “gói” 17 dự án nâng cấp QL1 sẽ liên tiếp được khởi công tới đây, để kết nối hạ tầng khu vực miền Trung, gồm các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An. Đối với 6 dự án nâng cấp QL14 qua Tây Nguyên sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ GTVT đang đốc thúc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và các Sở GTVT khu vực Tây Nguyên gấp rút khởi công trong quý IV/2013.


Để sớm khởi công và hoàn thành, dự án nâng cấp, mở rộng QL1 từ Hà Tĩnh - Cần Thơ được Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu xây lắp và tư vấn. Trong khi chờ Quốc hội phê duyệt chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ, dự kiến vào tháng 10/2013, các nhà thầu sẽ ứng vốn để thi công ngay. Chính phủ sẽ trả gốc và lãi cho nhà thầu bằng mức lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, để tiến độ các dự án được đảm bảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khởi công dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua Phú Yên khẳng định: Hàng tuần, cấp tỉnh có dự án đi qua phải họp chuyên đề về dự án mở rộng QL1, chủ tịch tỉnh phải kiểm tra hàng tuần và giao một phó chủ tịch tỉnh chỉ đạo trực tiếp dự án.


Đến nay, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn I, với việc đưa vào sử dụng hơn 1.350 km từ Hà Nội đến Kon Tum và một số đoạn tuyến riêng lẻ như: Cao Bằng, Phú Thọ, Đồng Tháp, Cà Mau. Tuy nhiên, trong điều kiện thắt chặt đầu tư công, nên tuyến đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây Nguyên chưa được triển khai. Do đó, riêng đối với 6 dự án nâng cấp QL14 qua Tây Nguyên sắp được khởi công sẽ được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.


Tiếp sức cho hạ tầng miền Trung, Tây Nguyên


Theo các chuyên gia giao thông, điều kiện địa lý khu vực miền Trung, Tây Nguyên phân chia rõ ràng, nhưng không thể tách rời mối quan hệ tương hỗ giữa hai khu vực. Hai khu vực này hiện có điểm chung là hạ tầng hỗ trợ phát triển chưa đủ lực để kích hoạt nội lực của từng vùng.


Khu vực miền Trung hiện có nhiều thuận lợi về hạ tầng, cùng với đường sắt Bắc - Nam, QL1A là mạch máu giao thông chính, cộng với 6 sân bay, 13 cảng biển, 14 QL phân bổ đều ở các địa phương, kết nối các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng. Tuy nhiên, hiện nay, QL1A đã nhiều lần nâng cấp, nhưng cũng xuống cấp nhanh chóng, do lưu lượng xe tăng quá nhanh, cộng với thời tiết khắc nghiệt. Khu vực này cũng chưa có hệ thống giao thông đường bộ nào hiện đại, nhất là tuyến cao tốc. Thêm vào đó, nếu so với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc, khu vực miền Trung kém lợi thế hơn về môi trường đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông.


Với Tây Nguyên, đây là khu vực đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Mặc dù những năm qua, điều kiện hạ tầng đã được cải thiện đáng kể, với hàng trăm công trình thủy lợi được đầu tư, giao thông được cải thiện với 3 sân bay được nâng cấp, 13 QL và 57 tỉnh lộ được đầu tư… đã góp phần đưa kinh tế Tây Nguyên phát triển. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại Tây Nguyên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh về kinh tế; mạng lưới giao thông tỉnh lộ và QL tuy đã hình thành, nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp... đã làm hạn chế giao thương hàng hóa và sự liên kết giữa các vùng miền có điều kiện phát triển hơn để thu hút đầu tư.


Do đó, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, việc khởi công dự án nâng cấp, mở rộng QL1 lên quy mô 4 làn xe và dự án nâng cấp QL14 qua Tây Nguyên là yêu cầu cấp bách hiện nay, không chỉ kết nối hạ tầng, thu hút nguồn lực đầu tư, thông thương giữa khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mà còn với các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước. Khi các tuyến đường này hình thành, sẽ kết nối hoàn thiện với hệ thống cảng biển, sân bay, cầu đường… hiện có, ngoài tăng cường thu hút vốn đầu tư, còn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc, tai nạn, đảm bảo sự ổn định về an ninh quốc phòng cho hai khu vực này.


Tiến Hiếu

Ưu tiên nguồn vốn đầu tư hạ tầng

Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã huy động nhiều nguồn vốn ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ riêng từ năm 2008-2013, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư tổng kinh phí cho giao thông nông thôn trên 1.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 312,586 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 655,6 tỷ đồng, số vốn còn lại là từ các nguồn khác. Với nguồn vốn này, Đắk Lắk đã làm mới được 97 tuyến đường với chiều dài 443 km, nâng cấp 214 tuyến đường với chiều dài 952 km và làm mới 766 cầu, cống các loại. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 147/152 xã, bằng 96,7% số xã có đường nhựa đến trung tâm xã.

Ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

 

Chính phủ cân nhắc sớm đầu tư các tuyến quốc lộ

Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần sớm đầu tư làm mới, nâng cấp quốc lộ 29. Đây là hành lang dọc tuyến giao thông Đắk Lắk - Phú Yên mới được nâng cấp lên thành quốc lộ với tổng chiều dài 178,06 km; trong đó nằm trên địa phận tỉnh Đắk Lắk ,27 km. Tuyến đường đi từ vùng duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) qua địa bàn các huyện Krông Năng, Krông Búk, Cư M’gar, Ea Súp đến cửa khẩu Đắk Ruê (Đắk Lắk) nối với đường 76 và đi đến các tỉnh vùng Đông Bắc Campuchia. Tuyến đường này cũng nối bốn trục dọc quốc lộ với nhau, gồm quốc lộ 1A, đường Trường Sơn Đông, quốc lộ 14, 14C nhằm tạo cơ hội cho Đắk Lắk tiếp cận gần hơn với các tỉnh duyên hải miền Trung, Nam Trung Bộ, tăng cường khả năng giao lưu hàng hóa, hợp tác kinh tế với các tỉnh trong vùng và nước bạn Campuchia…

Ông Y Bia, Bí thư thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk)

 

Kiểm soát chặt chẽ đầu tư công

Khi kinh tế khó khăn chúng ta thắt lưng buộc bụng, hạn chế đầu tư công, nhưng theo tôi với vấn đề giao thông, trường học, bệnh viện thì cần đầu tư. Còn mua sắm trong cơ quan dù là hàng cao cấp hay gì nữa thì đó là chi tiêu dùng. Hiện nay chúng ta đang hoàn thiện chính sách để hạn chế thất thoát trong xây dựng cơ bản. Tôi được biết có những công trình giao thông, công trình xây dựng cơ bản như cầu, cống… nếu thiết kế ở góc độ phù hợp thì sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng. Nhưng lãnh đạo địa phương và ngành chủ quản lại muốn công trình hoành tráng với quy mô không cần thiết từ khâu thiết kế đến khâu đấu thầu… nên mức đầu tư của công trình trội lên rất nhiều, cần rà soát lại. Phải kiểm soát chặt chẽ phần chi trong những công trình xây dựng cơ bản. Ví dụ như công trình mở rộng Quốc lộ 1A, vấn đề hoàn thiện Quốc lộ 14…

Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh

Phát huy lợi thế vùng Tây Nguyên
Phát huy lợi thế vùng Tây Nguyên

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, việc tiếp tục có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với vùng Tây Nguyên là rất quan trọng nhằm khuyến khích phát huy những lợi thế và hạn chế dần những khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN