Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, ngành GTVT đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển đã được đặt ra trong Nghị quyết 13-NQ/TW. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA cho 33 dự án (tổng số vốn ODA đã cam kết được đến nay là 18,46 tỷ USD cho 133 dự án). Cũng trong thời gian này đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông lên tới hơn 327.000 tỷ đồng trên tổng số 379.000 tỷ đồng được huy động từ trước tới nay.
Đến hết năm 2015, về đường bộ, ngành đã đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Đã có 704 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác (vượt 104 km so với mục tiêu Nghị quyết đề ra). Giai đoạn 2011 - 2015 đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400 km đường bộ và hơn 94.000 m dài cầu đường bộ.
Trong lĩnh vực đường sắt, ngành đã triển khai các dự án cải tạo cầu yếu, thông tin tín hiệu; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai; đưa vào khai thác đường sắt kết nối vào cảng Cái Lân... Về đường thuỷ nội địa, thông qua nguồn vốn WB5, WB6 đã và đang nâng cấp 1.082 km đường thủy vùng đồng bằng sông Cửu Long và 462 km đường thủy vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhờ đó đã góp phần nâng cao năng lực vận tải đường thủy nội địa. Đối với hàng hải, ngành đã hoàn thành đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và nhiều cảng khác, đưa tổng công suất các cảng từ 420 triệu tấn năm 2011 lên khoảng 470 triệu tấn năm 2015; tăng khoảng 50 triệu tấn so với năm 2011…
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành thúc đẩy kinh tế xã hội vùng phát triển |
Đặc biệt đối hàng không, ngành đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhà ga T2 (cảng hàng không Nội Bài) và các công trình quan trọng khác ở Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh, Phú Quốc, Liên Khương, Pleiku, Thọ Xuân, Cát Bi... đưa tổng năng lực của các cảng hàng không từ 42 triệu hành khách năm 2010, lên khoảng 70 triệu hành khách năm 2015.
Liên quan đến giao thông đô thị, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, ngành GTVT đã tập trung đầu tư các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên là các vành đai Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng với tập trung triển khai 06 dự án đường sắt đô thị. Riêng về giao thông nông thôn, giai đoạn 2011-2015, đã tiến hành xây dựng mới, nâng cấp được hơn 47.400 km đường GTNT; xây mới hơn 15.400 cầu; cứng hóa hơn 220.000km đường GTNT.
Về nhiệm vụ trọng tâm từ năm 2016- 2020, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nêu rõ: Trong lĩnh vực đường bộ, phấn đấu có từ 2.000 - 2.500 km đường cao tốc để cơ bản nối thông cao tốc Bắc - Nam; hoàn thành và tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, sân bay cửa khẩu... Cùng đó, sẽ tiếp tục hoàn thành 601 km đường Hồ Chí Minh để cơ bản nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh; nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, phía Tây Nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng; tiếp tục đầu tư các tuyến đường ven biển, đường hành lang và đường tuần tra biên giới.
Về đường sắt, sẽ tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam để đạt tốc độ chạy tàu (khách) bình quân 80 - 90 km/h và 50 - 60 km/h đối với tàu hàng; từng bước xóa bỏ các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, khổ 1,435 m. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như đoạn Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đối với hàng không, sẽ tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế, đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Triển khai đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023.
Về hàng hải, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận tàu container thế hệ mới; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ khu bến cảng Lạch Huyện; khuyến khích đầu tư nước ngoài phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong; hoàn thành dự án xây dựng luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu. Riêng về đường thuỷ nội địa, mục tiêu đến năm 2020, đảm bảo chạy tàu 24/24 giờ các tuyến đường thủy nội địa quan trọng…