Các chuyên gia thương mại cho rằng, cần phát triển hạ tầng đồng bộ, nghiên cứu phát triển dịch vụ logistics để đảm bảo đầu ra thông suốt cũng như giá thành ổn định cho hàng hóa.Phát triển hạ tầng đồng bộHạ tầng thương mại là một trong những yếu tố góp phần quyết định giá hàng hóa từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng. Hạ tầng thương mại thông suốt sẽ hỗ trợ lưu thông hàng hóa thuận lợi, giúp người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận hàng hóa với chất lượng tốt và giá cả ổn định. Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, tại Việt Nam, do mô hình hạ tầng nào cũng có vấn đề nên hàng hóa thường bị ách tắc trong lưu thông, vi phạm nguyên tắc hàng hóa sau khi sản xuất phải được phân phối càng nhanh càng tốt của nền kinh tế thị trường.
“Về phương tiện vận chuyển hàng hóa, hiện nay trong nước chủ yếu sử dụng ô tô. Phương tiện này có tải trọng hạn chế, mất nhiều chi phí vận chuyển... và sẽ dồn vào giá hàng. Chỉ nên vận chuyển 200 - 300 km bằng ô tô trong khi ở ta chạy hàng nghìn cây số từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội nên không hiệu quả. Phải đa đạng các phương tiện đường sắt, đường thủy... để hỗ trợ lưu thông hàng hóa thông suốt”, ông Nam cho biết thêm.
“Các tỉnh phải có “nhạc trưởng” cho hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối. Nếu còn tiếp tục mạnh ai nấy làm thì sẽ không đạt được hiệu quả”.
Ông Vũ Vinh Phú |
Ngoài ra, giá cả và chất lượng hàng hóa còn không được đảm bảo, thiếu tính cạnh tranh so với hàng nhập khẩu do các dịch vụ tại kho hàng như bảo quản, đóng gói hàng hóa của Việt Nam cũng rất yếu. “Hàng nông sản chở lên cửa khẩu không có kho chứa nên chỉ cần gặp trục trặc về thủ tục hải quan hoặc phía đối tác nhập khẩu làm khó là hàng hóa nông sản bị ép giá, phải bán với giá rẻ hoặc phải bị bỏ đi khiến cả nông dân và người kinh doanh đều bị thiệt hại”, ông Nam phân tích. Do vậy, để thị trường hàng hóa nông sản phát triển lành mạnh, không chỉ cần quan tâm đến khâu sản xuất mà còn cần chú trọng về đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi hàng hóa đảm bảo theo mô hình nước ngoài.
Việc các chợ, siêu thị nơi thừa nơi thiếu dẫn đến ế ẩm, đóng cửa, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đều là do công tác quy hoạch. Theo vị chuyên gia này, không riêng gì Hà Nội mà với hệ thống phân phối, kinh doanh thương mại của cả nước hiện nay nên được tổ chức theo quy hoạch bắt đầu từ tầm vĩ mô. Trước hết, Nhà nước cần nhận rõ tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống hạ tầng thương mại. Từ đó, xây dựng kết cấu hạ tầng cho sản xuất và lưu thông hàng hóa bao gồm đường giao thông, cảng biển, kho dự trữ, sàn giao dịch hàng hóa, chợ đầu mối, chợ dân sinh, quy hoạch phát triển các kênh thương mại văn minh như siêu thị, trung tâm thương mại... Đồng thời, cần có sự gắn kết quy hoạch giữa phát triển sản xuất - phân phối trong phạm vi cả nước. Nếu có cơ chế để tạo những chuỗi cung ứng sản xuất - phân phối trực tiếp từ sản xuất đến bán lẻ một cách hiệu quả nhất thì chất lượng và giá cả hàng hóa mới được đảm bảo.
Phát triển dịch vụ logistics Dịch vụ logistics (hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa) được coi là dịch vụ cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế quốc dân, quyết định đến việc hàng hóa có được lưu thông thông suốt hay không. Tuy vậy, dịch vụ này ở nước ta đang rất yếu kém, chưa được coi trọng, chủ yếu là các dịch vụ đơn lẻ, khả năng cạnh tranh thấp. Các doanh nghiệp logistics hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp và sự kết nối cơ sở hạ tầng logistics rất hạn chế... Chính những yếu kém này đã làm cho chi phí logistics tăng cao, giá thành hàng hóa bị đẩy lên cao.
GS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (ĐH Kinh tế quốc dân) chia sẻ về những nghiên cứu của Viện về dịch vụ logistic. Theo đó, tỷ trọng chi phí logistics so với GDP của Việt Nam lên tới 25%, trong khi ở các nước khác chi phí này thấp hơn như Singapore: 8%, Nhật Bản: 11%, EU: 10%, Mỹ: 7,7%, Trung Quốc: 18%. Chính sự yếu kém của dịch vụ logistics ở nước ta đã làm cho sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa vốn đã khó khăn trong tình hình hiện nay lại càng khó khăn hơn, làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia khó vươn lên kịp các nước trong khu vực.
Không những vậy, theo ông Jeff McLean, Tổng giám đốc công ty UPS (công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ logistics), chi phí mà các doanh nghiệp Việt Nam chi phí cho logistics chiếm đến 20 - 30% tổng chi phí hoạt động, trong khi các nước khác chỉ 5%. Ông Jeff McLean cho rằng, chi phí cao như vậy bởi không có những công ty chuyên về logistics, các công đoạn của logistics mà các DN phải thực hiện quá tủn mủn, lặt vặt và nếu xảy ra sai sót lại phải thực hiện lại. Không những thế, DN cũng không thể kiểm soát được quá trình lưu thông hàng hóa của mình.
GS Đào cho biết, điều quan trọng hiện nay để phát triển dịch vụ logistics, chuyên nghiệp hóa hạ tầng logistics và thương mại là phải thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của logistics đối với nền kinh tế. Cụ thể, hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng thương mại phải được gắn kết bằng cơ sở hạ tầng logistics; sớm xây dựng và phát triển hệ thống logistics quốc gia theo hướng bền vững.
Hoàng Dương - Thu Hồng(Mời xem toàn bộ loạt bài trên trang web: baotintuc.vn)