Tại hội nghị, cùng với việc công bố Quyết định Số 1639/QĐ -TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hải Dương dự kiến công bố và trao một số quyết định đầu tư cho một số doanh nghiệp lớn. Cũng dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức trưng bày quy hoạch tỉnh Hải Dương, Triển lãm các thương hiệu, sản phẩm lớn của tỉnh… qua đó thông tin, giới thiệu tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh nhằm thu hút, quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển. Dự kiến, nhân dịp về tham dự sự kiện công bố quy hoạch tỉnh Hải Dương, lãnh đạo và đoàn công tác Chính phủ sẽ thăm hoạt động sản xuất, tặng quà công nhân tại khu công nghiệp; thăm một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Theo Quy hoạch, tỉnh Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.
Hải Dương đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 bình quân đạt khoảng 9,5%/năm. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 2,55 triệu người. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp; Phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt trên 55%, hạ tầng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại…
Hải Dương phấn đấu đến năm 2050 sẽ đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng.
Theo đó, Hải Dương xác định đột phá phát triển gồm 5 trụ cột chính, 3 nền tảng hỗ trợ và 4 trục phát triển không gian; trong đó, 5 trụ cột chính là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Xây dựng ba nền tảng hỗ trợ là văn hóa và con người xứ Đông - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đời sống và môi trường văn hóa lành mạnh; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; kinh tế số, khoa học công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Bốn trục phát triển không gian gồm trục phát triển Bắc - Nam; trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh, trục phát Đông - Tây trung tâm tỉnh; và trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông.
Một số điểm đáng chú ý trong quy hoạch như: tỉnh Hải Dương sẽ phát triển 28 đô thị, gồm 14 đô thị hiện hữu và thêm mới 14 đô thị; Phát triển 1 khu kinh tế chuyên biệt tại trung tâm vùng công nghiệp động lực thuộc huyện Bình Giang và huyện Thanh Miện, quy mô dự kiến khoảng 5.300 ha.
Tỉnh sẽ quy hoạch vùng trung tâm (vùng 1) gồm toàn bộ không gian phát triển của thành phố Hải Dương và các huyện Nam Sách, Gia Lộc là vùng đô thị dịch vụ tổng hợp trung tâm. Vùng phía Tây (vùng 2) gồm toàn bộ không gian phát triển của các huyện: Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện là phân vùng phát triển công nghiệp tập trung với quy mô lớn. Vùng phía Đông Nam (vùng 3) gồm các huyện: Thanh Hà, Ninh Giang, Tứ Kỳ là vùng phát triển nông nghiệp đặc sản gắn với sản xuất hàng hoá, phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ theo hướng tiên tiến.
Vùng phía Bắc (vùng 4) gồm toàn bộ thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành. Đây là vùng phát triển tổng hợp đa ngành với các trung tâm kinh tế lớn phía Bắc của tỉnh, trung tâm tổng hợp cấp tỉnh, xây dựng đô thị theo theo đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại, đáng sống…
Tại cuộc họp báo, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Quang Phúc nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hải Dương với mong muốn tạo được sự phát triển bứt phá trên nền tảng phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh nhằm chủ động nắm bắt thời cơ thuận lợi, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, sớm đưa Hải Dương trở thành trung tâm kinh tế, đô thị lớn có sức hút và lan tỏa mạnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.