Tại buổi làm việc, đại diện Sở Xây dựng cho biết, theo Niên giám thống kê năm 2020, diện tích nhà ở bình quân trên địa bàn tỉnh Hải Dương là 28 m2/người (bình quân của cả nước là 25,2 m2/người), tương đương với tổng diện tích nhà ở của tỉnh là trên 53,6 triệu m2. Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ (1/4/2019), diện tích nhà ở kiên cố toàn tỉnh chiếm 98,3%, nhà ở bán kiên cố 1,54%, nhà ở thiếu kiên cố, nhà đơn sơ chiếm 0,16%. Chất lượng nhà ở tại tỉnh cao hơn so với chất lượng nhà ở của cả nước. Hầu hết các hộ dân trong tỉnh có nhà ở thuộc sở hữu riêng. Số hộ đang ở nhà thuê hoặc mượn, ở nhà chưa rõ quyền sở hữu chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Đến năm 2030, Hải Dương xác định mục tiêu phát triển nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 35,7 m2 sàn/người. Tổng diện tích sàn nhà ở đạt gần 97 triệu m2, diện tích sàn nhà ở tăng thêm 45,2 triệu m2, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, xây dựng mới trên 1 triệu m2 nhà ở xã hội. Hải Dương phấn đấu nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 99%, nhà bán kiên cố đạt 1%, xóa bỏ nhà thiếu kiên cố.
Đến năm 2045, tỉnh phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh khoảng 37 m2 sàn/người, nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 100%, phát triển đồng bộ các loại hình nhà ở đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Để đạt được các mục tiêu trên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, Hải Dương tập trung lập quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, các mẫu thiết kế nhà ở điển hình và cung cấp đầy đủ, kịp thời cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia phát triển nhà ở của tỉnh.
Đối với quy hoạch xây dựng, Hải Dương sẽ đẩy nhanh việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung đô thị, quy hoạch nông thôn mới. Cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Khi tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, cơ quan chức năng cũng yêu cầu lập và phê duyệt quy hoạch nhà ở cho công nhân, rà soát, bổ sung quy hoạch, thu hồi đất, tạo mặt bằng đất mới để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Tỉnh công bố công khai quy hoạch xây dựng đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, quy hoạch khu dân cư nông thôn để nhân dân biết, tuân thủ và làm căn cứ quản lý cấp phép xây dựng mới cũng như cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Đối với kiến trúc nhà ở, cơ quan chức năng của tỉnh sẽ sớm ban hành mẫu thiết kế mẫu, thiết kế điển hình các loại nhà ở phù hợp quy chế quản lý đô thị nhằm cung cấp cho nhà đầu tư và nhân dân tham khảo để xây dựng nhà ở.
Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng mới, cải tạo sửa chữa nhà ở trong khu vực đô thị, khu vực nông thôn đúng quy chế quản lý kiến trúc đã được phê duyệt.
Về đất đai, Hải Dương tập trung lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; bố trí quỹ đất ở đô thị, nông thôn để phát triển nhà ở; tạo quỹ đất phát triển nhà ở tái định cư và quỹ đất hoán đổi cho nhà đầu tư theo hình thức BT (đầu tư xây dựng - chuyển giao). Đối với chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô 10ha trở lên, tỉnh yêu cầu dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở đã xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại vị trí thuận lợi sau khi nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng.
Hải Dương triển khai nhiều giải pháp thực hiện các mục tiêu đặt ra như về chính sách tài chính, tín dụng, thuế, về phát triển thị trường nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở, về khoa học công nghệ. Cùng với đó, tỉnh củng cố, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy quản lý và phát triển nhà ở, tăng cường tuyên truyền để nhân dân đồng thuận…
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác phát triển nhà ở hiện nay như: Quy hoạch đô thị vẫn chưa gắn với quy hoạch phát triển nhà ở; nhiều nhà đầu tư không mặn mà với việc xây dựng nhà ở xã hội. Nhiều chủ đầu tư các khu công nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Nguyễn Văn Đoàn, cần có Luật gắn trách nhiệm của chủ đầu tư các khu công nghiệp trong việc xây dựng nhà ở để cho công nhân thuê hoặc có ưu đãi về tài chính giúp người lao động có thể mua được nhà. Tỉnh cần có quy định, cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư các khu công nghiệp có thể thực hiện việc xây dựng nhà ở cho công nhân.