Ngày nay, hầu hết các chợ nổi tại ĐBSCL chỉ còn đông đúc phần nào vào dịp cuối năm âm lịch, đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng nông sản tăng cao vào dịp Tết đến xuân về, nên việc đầu tư khôi phục và bảo tồn các khu chợ nổi trở thành điểm mua bán trao đổi hàng hóa sầm uất, điểm du lịch, thu hút du khách là việc không đơn giản, cần có sự nghiên cứu, khảo sát, cân nhắc kỹ càng và đầu tư hợp lý.
Quang cảnh mua bán nhộn nhịp tại chợ nổi Cái Răng. |
Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn”, với tổng mức đầu tư hơn 35 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ hạ tầng du lịch từ ngân sách Trung ương là hơn 22 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là hơn 12 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy, tái hiện lại không gian chợ nổi “trên bến dưới thuyền”, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao, phát triển du lịch Ngã Bảy theo hướng du lịch xanh. Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2015 đến 2017 với các hạng mục như xây dựng các công trình đường đi quanh chợ nổi, vỉa hè, kè sông cặp chợ nổi để bảo vệ đường giao thông, đặc biệt là xây dựng các bến tàu khách du lịch, hệ thống cấp điện, cấp nước cũng như hệ thống thoát nước... trên diện tích hơn 3 ha, nhằm tạo nên một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, phục vụ nhu cầu giao thương của chợ nổi cũng như đáp ứng du khách tham quan chợ nổi một cách chuyên nghiệp, văn minh.
Sắc xuân trên chợ nổi Cái Răng. |
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có rất nhiều chợ nổi như Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (thành phố Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng)... Tuy nhiên, do mạng lưới giao thông đường bộ phát triển nên số lượng thuyền, ghe buôn bán tại các chợ nổi ngày càng giảm dần. Các chợ nổi hiện nay không còn giữ được những nét đặc trưng của vùng sông nước. |
Năm 2014, UBND thành phố Cần Thơ đã giao cho UBND quận Cái Răng làm đầu mối phối hợp sở ngành, đơn vị liên quan có phương án bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Răng trở thành điểm thu hút ngày thêm nhiều du khách trong và ngoài nước. UBND quận Cái Răng đã đưa ra đề án “Cải tạo, nâng cấp chợ nổi Cái Răng giai đoạn 2014-2016” với tổng kinh phí thực hiện khoảng 26 tỷ đồng. Đề án đưa ra một số vấn đề nhằm cải tạo, nâng cấp chợ nổi Cái Răng như thiết lập hệ thống phao tiêu phân luồng, tổ chức sắp xếp các ghe tàu neo đậu cố định, đầu tư xây dựng các điểm tập kết hàng hóa nông sản trên bờ, điểm dừng chân, nhà hàng nổi trên sông, nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách... Đặc biệt, trong cải tạo, nâng cấp chợ nổi Cái Răng đảm bảo giữ nguyên hiện trạng tự nhiên, bảo tồn được bản sắc văn hóa của chợ nổi, phù hợp nguyện vọng các tiểu thương buôn bán trên chợ nổi cũng như người dân liên quan khu chợ nổi.
Trong danh mục kêu gọi đầu tư của Sóc Trăng, tỉnh này có dự án đầu tư chợ nổi Ngã Năm với mức kêu gọi đầu tư 2 triệu USD để di dời một phần chợ nổi lên bờ, xây dựng kho lưu trữ hàng hóa, giảm ô nhiễm môi trường trên sông, với hình thức thuê đất hoặc giao đất cho nhà đầu tư. Việc đầu tư cho chợ nổi Ngã Năm là nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển khu chợ nổi, hình thành điểm du lịch sinh thái, trung tâm mua bán hàng hóa sầm uất trong khu vực. Từ đó, duy trì và phát triển có định hướng cho chợ nổi, bảo đảm việc mua bán diễn ra một cách tự nhiên và an toàn giao thông đường thủy. Bên cạnh đó có thể mở thêm các dịch vụ hướng dẫn du khách như chèo xuồng, câu cá, ca hát tài tử ngay tại chợ nổi...
Bài và ảnh: Phạm Duy Khương