Vẫn còn hơn 3 tháng nữa mới đến Tết, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa. Theo đánh giá của các DN, sức mua thị trường Tết năm nay sẽ chỉ bằng hoặc cao hơn chút ít so với Tết năm 2014.Đẩy mạnh kích cầu tiêu thụ hàng hóaLà doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng tươi sống thịt gia súc, gia cầm... , từ thời điểm tháng 8, Vissan đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho thị trường Tết. Năm nay DN đã chủ động điều chỉnh mức tăng trưởng sản xuất và lượng hàng cung ứng tăng khoảng 10% so với Tết năm 2014 và được kéo dài cho đến hết quý I/ 2015. Dự kiến doanh thu của DN sẽ đạt hơn 670 tỷ đồng, tăng khoảng 9%. Do sức mua yếu ngay từ cuối tháng 10, DN đã đẩy mạnh các biện pháp khuyến mãi, giảm giá... nhằm kích cầu, thúc đẩy bán hàng.
Hàng hóa thị trường Tết năm nay dự báo sẽ dồi dào và giá cả ổn định. |
“Hiện nay, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi khi không còn chú trọng việc tích trữ hàng hóa như trước đây. Vì vậy, các DN phải thay đổi và không quá đặt nặng chỉ tiêu về gia tăng sản lượng mà lo nhất là làm sao bán được hàng, gia tăng lợi nhuận, giải phóng lượng tồn kho”, ông Văn Đức Mười, TGĐ Vissan cho hay.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết Tết năm nay, các DN trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị hơn 1,4 triệu con lợn, 13 - 14 triệu con gà cung ứng cho thị trường, tăng khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ năm 2014. Do nguồn cung dồi dào, các kênh phân phối hiện đại tốt nên sẽ không có tình trạng khan hàng (sốt giá mà giá cả còn có xu hướng giảm. Giá lợn heo sẽ chỉ vẫn duy trì ở mức như hiện nay từ 54.000 - 55.000 đồng/kg, giá gà công nghiệp khoảng 34.000 đồng/kg, gà thả vườn từ 44.000 - 46.000 đồng/kg.
Mới đây, Công ty CP Đầu tư Nam Dương vừa hoàn tất chuỗi các cửa hàng bán lẻ tại những vị trí đắc địa của TP Hồ Chí Minh như: Hai Bà Trưng, Đồng Khởi... sẵn sàng cho thị trường mua sắm, quà biếu Tết. Bà Nguyễn Thu Ngọc, GĐ bộ phận bán hàng cho biết, các sản phẩm như nhân sâm, bánh kẹo... của DN hướng đến đối tượng người có thu nhập từ khá trở lên, nên vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng từ 15 - 20% so với kế hoạch. “Kinh tế khó khăn theo tôi chỉ nhóm khách hàng có thu nhập thấp là bị tác động nhiều nhất. Vì vậy, DN cần phải có kế hoạch kinh doanh phù hợp, nắm bắt tốt nhu cầu thị trường”, bà Ngọc giải thích.
Tại buổi họp thường kỳ của hội viên hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao mới đây, các DN cho rằng sức mua dịp Tết 2015 cũng sẽ như năm 2014 sẽ khó có sự chuyển biến mạnh. Nguyên nhân do kinh tế thế giới cũng như trong nước chưa khởi sắc và người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, chỉ mua sắm những thứ thật cần thiết. Trong bối cảnh đó, rất nhiều DN đã chọn giải pháp giảm sản lượng, tập trung giải pháp tăng doanh thu bằng cách đổi mới mẫu mã, đa dạng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, mở rộng thị trường...
Sẵn sàng hàng bình ổnĐảm bảo người dân trên địa bàn, đặc biệt nhóm có thu nhập trung bình, thấp có một cái Tết trọn vẹn, TP Hồ Chí Minh đã cam kết sẽ duy trì lượng hàng dồi dào, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo và không có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Theo kế hoạch, qua chương trình Bình ổn giá sẽ giúp người dân có cơ hội tiếp cận với nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu như: đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản... có giá rẻ hơn giá thị trường từ 5 - 10%. Năm nay chương trình có sự gia tăng về chủng loại ở một số nhóm hàng, lượng hàng và số DN tham gia bình ổn thị trường khi tăng thêm 7 DN, góp phần gia tăng thêm lượng hàng hóa từ 10 - 20% so với năm 2014 và chiếm khoảng 40% nhu cầu thị trường.
“Để người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn hàng bình ổn, tính đến tháng 9/2014, chúng tôi đã phát triển 8.487 điểm bán, tăng khoảng 300 điểm so với Tết 2014. Trước đó UBND thành phố đã tổ chức rà soát, tổng hợp danh sách 97 mặt bằng nhà đất phù hợp để giới thiệu cho các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình bình ổn thị trường. Trên cơ sở đó, các quận, huyện đã chấp thuận 37 địa chỉ nhà đất chuyển giao cho DN để đầu tư xây dựng cửa hàng, siêu thị bán hàng bình ổn thị trường”, bà Lê Ngọc Đào, GĐ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết.
Hiện các ngân hàng thương mại cũng đã nâng hạn mức tín dụng cam kết cho vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh tạo nguồn hàng bình ổn thị trường với lãi suất ưu đãi và mở rộng đối tượng cho vay. Tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng cam kết cho vay là 8.300 tỷ đồng đảm bảo đủ vốn cho DN tham gia chương trình. Theo bà Đào, để công tác bình ổn thị trường dịp Tết Ất Mùi 2015 hiệu quả, Sở Công Thương cũng sẽ tổ chức khoảng 1.250 chuyến bán hàng lưu động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và các huyện ngoại thành. Đặc biệt, năm nay sản phẩm của các DN tham sẽ được dán thêm tem nhãn có logo bình ổn thị trường trên bao bì nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện, phân biệt với hàng hóa ngoài chương trình.
Bài và ảnh: Lê Nghĩa