Hội nghị lần này sẽ thông qua các dự án, kế hoạch, chương trình hành động trong khuôn khổ hợp tác GTVT ASEAN trong năm 2020, nhất là về hợp tác khai thác tiềm năng, lợi thế, gỡ bỏ rào cản trong lĩnh vực hàng không.
Tiềm năng kết nối hàng không ASEAN
Theo ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc dự án và phát triển kinh doanh của Vietjet Air, hãng đang liên doanh với một hãng bay Thái Lan để khai thác các đường bay nội địa Thái Lan và quốc tế. Vietjet đã và đang triển khai các đường bay đến các nước trong khối Asean. Đây là khu vực kinh tế năng động, liên tục gia tăng cơ hội thông thương từ các đường bay mới.
“Cơ hội vận tải hàng không nội địa kết nối với các nước ASEAN ngày càng phát triển thông qua những định hướng, chính sách, chiến lược và ký kết hợp tác trong lĩnh vực hàng không giữa các lãnh đạo cấp cao về GTVT trong khu vực, nhất là thời gian qua, đại diện các hãng hàng không nội địa liên tục mở chi nhánh và mời gọi các hãng hàng không thuộc khối ASEAN tham gia, nhằm tư vấn định hướng chính sách chung hỗ trợ hãng bay phát triển”, ông Vũ Phạm Nguyên Tùng cho hay.
Còn theo ông Lưu Văn Đoan, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Hàng không Việt Nam), giai đoạn 2010 - 2018, lưu lượng hành khách hàng không nội khối ASEAN tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 9%. Đến nay, có hơn 40 hãng hàng không được các quốc gia thành viên ASEAN chỉ định để khai thác vận tải trong nội vùng ASEAN trên cơ sở các hiệp định đa bên đã được ký kết. Đối với hàng không trong nước, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, tăng thêm 10 cặp đường bay giữa Việt Nam và ASEAN, đạt tổng số hơn 30 đường bay giữa Việt Nam và ASEAN do các hãng hàng không trong nước và ASEAN khai thác.
Vì vậy, các thỏa thuận chung về xây dựng và khai thác thị trường hàng không ASEAN thống nhất, tự do hiện nay đang là vấn dề ưu tiên hàng đầu trong hợp tác GTVT giữa các nước trong khu vực, nhằm thúc đẩy giao thương, du lịch và phát triển kinh tế toàn khối, vì mục tiêu xây dựng “bầu trời mở” hàng không khu vực.
“Hàng không là lĩnh vực được đặc biệt chú trọng trong hợp tác GTVT các nước ASEAN, giữa ASEAN với các nước phát triển khác. Đây được xem là lĩnh vực hợp tác vận tải xương sống và nhân tố quan trọng trong thúc đẩy giao thương và du lịch, phát triển kinh tế và kết nối con người. Các nước ASEAN, kể cả các nước đối tác luôn tìm kiếm các cơ hội thúc đẩy hợp tác hàng không, hướng tới mục tiêu ‘Bầu trời mở’ ASEAN”, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GTVT) cho biết.
Mục tiêu là thị trường hàng không ASEAN
Từ năm 2007, ASEAN đã thông qua sáng kiến thành lập một thị trường hàng không thống nhất vào năm 2015, nhằm hỗ trợ cho việc phát triển cộng đồng kinh tế khu vực. Năm 2011, các Bộ trưởng GTVT ASEAN thông qua khung thực hiện thị trường hàng không thống nhất ASEAN, vơi mục tiêu là tạo ra một thị trường vận tải hàng không mở cửa quyền tiếp cận thị trường, hướng tới một môi trường kinh doanh cạnh tranh và linh hoạt.
Đến nay, các nước ASEAN đã ký kết và đang tiếp tục đàm phán để hoàn tất mở cửa 13 phân ngành của dịch vụ vận tải hàng không; trong đó Việt Nam đã mở cửa 8 phân ngành dịch vụ (bán và tiếp thị sản phẩm hàng không, đặt giữ chỗ bằng máy tính, thuê tàu bay kèm tổ bay...).
“Việc mở cửa bầu trời ASEAN đối với các hãng hàng không nội địa sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh, mở ra khả năng lựa chọn lớn hơn cho các hãng về thị trường, nguồn khách, tạo ra các loại hình hợp tác giữa các hãng hàng không trong khu vực, tăng năng lực phục vụ, mở rộng mạng đường bay, giúp cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không”, ông Lê Tuấn Anh nói.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện có hơn 40 hãng hàng không ASEAN được chỉ định khai thác các điểm, đường bay tại 10 quốc gia thành viên trong khối. Trong đó, các hãng bay của Việt Nam được đánh giá hội nhập nhanh, hiệu quả. Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hàng không trở thành loại hình giao thông phổ biến, có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.
Về vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh chia sẻ, thực hiện “bầu trời mở” ASEAN, 3 Hiệp định đa biên về tự do hóa hoàn toàn dịch vụ vận tải hàng hóa và dịch vụ vận tải hành khách đã được Việt Nam ký kết, đi kèm là các Nghị định thư thực hiện để tự do hóa thương quyền giữa các thành phố có sân bay quốc tế trong ASEAN.
Thực tế, các hãng hàng không nội địa của Việt Nam đã có nhiều năm cạnh tranh trong môi trường tự do hóa. Đến nay, Vietnam Airlines đã cơ bản hoàn thiện mạng bay, khai thác với tần suất tương đối dày đặc. Vietjet Air, Jetstar Pacific cũng đã bắt đầu khai thác tương đối tốt các thị trường ASEAN.