Nhiệm vụ của các Bộ, ngành
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 334 về kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.
Theo đó, nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách quốc tế, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch nói chung, đồng thời tạo điều kiện cho bà con Việt Nam được về quê hương trong bối cảnh Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến, việc mở lại các chuyến bay quốc tế theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cần thiết. Tuy nhiên, quá trình mở cửa vẫn phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao. Thời gian thực hiện là từ 1/1/2022.
Trước mắt là khôi phục các chuyến bay với các địa bàn, gồm: Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán sớm thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vaccine", ưu tiên các địa bàn thực hiện trong giai đoạn thí điểm.
Các Bộ: Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông thống nhất ngay và công bố một phần mềm khai báo y tế áp dụng chung đối với đi lại bằng đường hàng không để tạo thuận lợi cho việc khai báo của hành khách, hoạt động của các doanh nghiệp hàng không cũng như công tác theo dõi y tế, kiểm soát, truy vết người nhập cảnh.
Riêng Bộ GTVT chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp hàng không tổ chức thực hiện khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ theo kế hoạch đã được phê duyệt, kịp thời tổng kết đánh giá và kiến nghị điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Bay quốc tế thường lệ để phục hồi du lịch, kinh tế
Hiện nay, các doanh nghiệp hàng không, du lịch đang tiến thoái lưỡng nan, suy yếu nguồn thu, có thể dẫn đến phá sản, khiến việc phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch khó khăn. Tính chung 11 tháng năm 2021, tổng thị trường vận tải hàng không chỉ đạt 13,4 triệu lượt khách, bằng 22,5% so với trước đại dịch (năm 2019). Riêng giai đoạn dịch lần thứ 4 bùng phát từ tháng 5-10/2021, tổng khách vận chuyển chỉ đạt 2,1 triệu lượt khách, bằng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế chỉ bằng 1%, khách nội địa đạt 10%.
Vì vậy, đại diện các hãng hàng không nội địa cho rằng, nhu cầu mở lại các đường bay quốc tế hiện nay là cầp thiết, đặc biệt là với các quốc gia đã và đang hoàn thành việc tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, hàng không Việt Nam vẫn phải tích cực chuẩn bị để có thể triển khai ngay khi Bộ Y tế có những quy định cụ thể về cách ly, cũng như đàm phán xong với các quốc gia có đường bay đến. Với biến chủng Omicron, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ từ 10 quốc gia châu Phi đến Việt Nam. Các chuyến bay đến từ các nước khác vẫn triển khai bình thường.
Trong văn bản mới nhất Bộ GTVT gửi Văn phòng Chính phủ nêu, Bộ GTVT đã làm việc với các hãng hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và đại diện các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Công an, Văn hóa-Thể thao và Du lịch để xây dựng các phương án khôi phục khai thác hàng không quốc tế. Theo đó, tất cả các hãng hàng không nội địa đều kiến nghị nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các nước và vùng lãnh thổ, trên cơ sở đề xuất dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.
Bộ GTVT cũng đã đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu nới lỏng tối đa quy định về cách ly đối với hành khách nhập cảnh phù hợp với chính sách “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” hiện nay, tiến tới xem xét thời điểm dỡ bỏ quy định cách ly để thông báo tới các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách.
Đại diện các hãng hàng không nội địa cũng cho rằng, việc mở bay thương mại quốc tế định kỳ và không buộc cách ly đối với khách sẽ khiến giá vé bay lập tức giảm, tạo điều kiện cho kiều bào, đặc biệt là những người đi làm việc, du học có cơ hội được về nước. Vì các chuyến bay quốc tế thường lệ muốn khởi động phải lên kế hoạch đưa lịch bay và mở bán vé trước ít nhất 6 tháng.
Nếu không công bố sớm và không quy định rõ ràng, khách sẽ không đủ thời gian đăng ký bay. Cần khuyến khích hãng hàng không thực hiện test miễn phí cho khách trước khi lên tàu bay, đảm bảo có thể bịt được “lỗ hổng” 72 giờ từ khi nhận kết quả âm tính đến lúc lên máy bay (sau khi có kết quả âm tính, khách vẫn đi lại, làm việc, vô tình bị dương tính mà không biết) cho hành khách.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định, việc mở các đường bay là nhu cầu thực tế khách quan, không phải chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có việc xem xét mở lại các chuyến bay để phát triển kinh tế xã hội, đi lại, giao thương, phát triển du lịch. Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch mở đường bay quốc tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa ra các quốc gia dự kiến, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia khác.
Việc mở đường bay quốc tế phải dựa trên điều kiện để mở được chuyến bay như xem xét khả năng phòng chống dịch, tiêm vaccine cho người dân, trên hết là sự đồng thuận của các quốc gia mà ta kết nối. Hộ chiếu vaccine là công cụ để Việt Nam mở các chuyến bay. Do điều kiện dịch bệnh, xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, nên đây cũng là một yếu tố tác động tới việc mở đường bay quốc tế, các nước cũng sẽ xem xét thận trọng hơn, đánh giá kỹ.