Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đặt mục tiêu cán đích trước kế hoạch

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ giao là 56.666 tỷ đồng, tập trung chủ yếu (60%) tại các dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I, II. Vì vậy, ngay sau chuyến thị sát công trường các dự án trọng điểm của Thủ tướng đầu năm mới, hàng loạt dự án đã tăng tốc và đặt mục tiêu cán đích trước kế hoạch.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, xác định năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, các bộ, ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công… phải chủ động, tích cực triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, với yêu cầu bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca, 4 kíp"...

Theo ghi nhận của phóng viên trên công trường các công trình trọng điểm hiện nay như: Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. nhà ga T3 Tân Sơn Nhất... không khí thi công của chủ đầu tư, nhà thầu, người lao động các dự án đều khẩn trương, tăng tốc, đảm bảo tiến độ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Đoạn tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã có mặt bằng đang được các đơn vị thi công đổ đất, đào đắp, lu lèn, gia tải nền đường. 
Chú thích ảnh
Đoạn tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải thi công đang triển khai các mũi đào đắp, san nền mặt đường.
Chú thích ảnh
Tranh thủ công địa trên tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được bàn giao, nhà thầu Vinaconex tổ chức thi công hầm chui, mặc dù rừng cao su, keo... xung quanh vẫn chưa GPMB xong. 
Chú thích ảnh
Nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tận dụng đất địa phương cho thuê để đúc các cấu kiện bê tông, sẵn sàng thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đồng loạt khi có mặt bằng. 
Chú thích ảnh
Thành hình tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhìn từ trên cao.

Hiện nay, trên toàn tuyến cao tốc thành phần Biên Hòa - Vũng Tàu thuộc cao tốc Bắc Nam giai đoạn II (2021 - 2025), cả 3 nhà thầu liên danh là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 703 đang đồng loạt triển khai 15 mũi thi công, lũy kế giá trị thi công dự án đạt 15%, tiến độ thực hiện dự án vượt 2% so với kế hoạch.

Ngoài đoạn tuyến thành phần 1, 2 qua tỉnh Đồng Nai vẫn bị "nghẽn" mặt bằng, việc triển khai công địa ngoài hiện trường chưa nhiều; đoạn tuyến thành phần 3 dự án, nhà thầu sẽ giải phóng xong mặt bằng trong quý I/2024. Năm 2024, dự án được bố trí 500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương. Đến nay, đã giải ngân được gần 232 tỷ đồng, tương ứng 46,4%.

Dự kiến, trong năm 2024 dự án sẽ hoàn thành 70% giá trị công trình và đến 30/9/2025 sẽ hoàn thành xây dựng dự án, sớm 3 tháng theo kế hoạch được giao.

Chú thích ảnh
Thi công gói thầu XL3 dự án thành phần 7 Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Theo đại diện UBND huyện Bến Lức (Long An), địa phương đang đầu tư xây dựng khu tái định cư dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh để bàn giao cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và bố trí nền tái định cư cho người dân trong tháng 5/2024. Dự án khu tái định cư có diện tích 3,5 ha, nằm gần tuyến đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh thuộc địa bàn xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 65 tỷ đồng.

Dự án đường này là dự án trọng điểm quốc gia, dài gần 76 km, đi qua TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Các đơn vị triển khai thi công đường băng sân bay Long Thành. Ảnh: TTXVN

Trên công trường dự án Sân bay Long Thành, theo ông Nguyễn Mạnh Hải (nhà thầu Tổng Công ty 36, đơn vị thi công tại khu vực công trình quản lý bay - dự án thành phần 2), các hạng mục như: Nhà ga hành khách, đường kết nối T1, T2, đường băng, đường lăn sân đỗ… cũng đã thành hình.

Sau thời gian thi công xuyên Tết, khối lượng công việc của các hạng mục đã tăng vượt kế hoạch, sản lượng thi công hiện đã đạt 1.800 tỷ đồng, giá trị phần mua sắm đạt 3.000 tỷ đồng...

Chú thích ảnh
Công trường thi công Nhà ga hành khách T3, Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TTXVN

Ghi nhận tại công trường Nhà ga T3, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, không khí thi công diễn ra nhộn nhịp. Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tăng tốc thi công trước, trong và sau Tết Nguyên đán, dự án thay vì đặt mục tiêu hoàn thành vào ngày 19/5/2024, dự kiến sẽ cán đích ngày 30/4/2025 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước...

Chú thích ảnh
Cao tốc thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt là 1 trong 11 dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I 2017 - 2020, dài gần 50 km, có tổng mức đầu tư trên 11.157 tỷ đồng.
Chú thích ảnh
Nhiều đoạn tuyến trên cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đang thảm bê tông nhựa nóng cuốn chiếu.
Chú thích ảnh
Các nhà thầu đang huy động 101 mũi thi công, hơn 850 máy móc thiết bị, gần 2.000 nhân lực, thi công trài dài trên toàn tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Chú thích ảnh
Doanh nghiệp dự án cam kết hoàn thành thảm bê tông nhựa nóng lớp cuối trên toàn tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt vào cuối tháng 4/2024.

Còn tại công trường cao tốc thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc cao tốc Bắc Nam giai đoạn I (2017 - 2020), dự án đã đạt tiến độ tổng thể gần 75%.

Để đảm bảo tiến độ cán đích trước tháng 5/2024 theo mục tiêu Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra, doanh nghiệp nhà thầu thi công dự án trước, trong và sau Tết vẫn đang duy trì kế hoạch thi công 3 ca 4 kíp ngày đêm, huy động tối đa nhân lực, máy móc thiết bị chuyên dụng, khẩn trương thi công bù tiến độ, để đảm bảo kế hoạch.

Tại các vị trí gói thầu nút giao cầu vượt QL46B, hầm Thần Vũ, cầu Thần Vũ 1 và 2, cầu Ồ Ồ, cầu Hưng Đức... các nhà thầu bố trí 101 mũi thi công, với gần 2.000 nhân lực, sản lượng trung bình mỗi ngày đạt khoảng hơn 600 triệu đồng...

Chú thích ảnh
Cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng là 1 trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025, dài 54,2 km, có tổng vốn đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng, đi qua các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh).
Chú thích ảnh
Các nhà thầu thi công cầu Kẻ Gỗ dài 660 m, với 16 nhịp trên tuyến cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng qua huyện Cẩm Xuyên.
Chú thích ảnh
Tập kết dầm bê tông đúc sẵn tại chỗ phục vụ thi công cầu Kẻ Gỗ.
Chú thích ảnh
Cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng gồm 2 gói thầu xây lắp chính 11-XL, 12-XL, do liên danh nhà thầu Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập - Công ty Cổ phần 471 - Công ty cổ phần Xây lắp 3 đảm nhiệm thi công.
Chú thích ảnh
Các đơn vị thi công trồng cột điện mới, di dời hạ tầng điện cũ, lấy mặt bằng thi công cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng.
Chú thích ảnh
Giai đoạn I cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng thiết kế 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp, vận tốc tối đa 80 km/giờ; giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc tối đa 120 km/giờ.

Tương tự, trên cao tốc thành phần giai đoạn II Hàm Nghi - Vũng Áng, tiến độ tổng thể dự án đã đạt 20% khối lượng xây lắp. Từ đầu tháng 1/2024 đến nay, tranh thủ thời tiết nắng ráo, các đơn vị thi công đã huy động tối đa nhân lực, máy móc, tập trung thi công bù tiến độ và đang bám sát kế hoạch Chính phủ, Bộ GTVT đề ra. Hai gói thầu xây lắp chính 11-XL, 12-XL dự án do liên danh nhà thầu Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập - Công ty Cổ phần 471 - Công ty cổ phần Xây lắp 3 đảm nhiệm thi công đang tổ chức 7 mũi thi công, với hàng trăm công nhân, hàng trăm đầu máy móc thiết bị chuyên dụng, trải dài trên toàn tuyến thi công. 

Ông Lưu Tấn Cường, Phó Trưởng ban điều hành dự án (Ban Quản lý dự án Thăng Long) chia sẻ: Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nhiều, dự án chủ yếu thi công các hạng mục như cầu, cống, đúc kết cấu dầm bê tông tại chỗ, tập kết vật liệu... để chủ động kế hoạch khi thời tiết nắng ráo sẽ đồng loạt thi công cuốn chiếu các mục đào đắp, gia tải nền đường vả thảm cấp phối đá răm... Hiện nay, trên tuyến cao tốc vẫn còn một số công trình hạ tầng điện chưa di dời, dự án mong được địa phương phối hợp chặt chẽ để giải phóng dứt điểm, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công đồng loạt, đẩy nhanh tiến độ...

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, năm 2024, Bộ GTVT xác định, kết quả giải ngân phụ thuộc lớn vào sản lượng thi công ở hiện trường. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành đồng bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn I 2017-2020; cơ bản hoàn thành các cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 để đưa vào vận hành, khai thác đồng bộ trong năm 2025; đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các tuyến cao tốc kết nối vùng như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Chợ Mới - Bắc Kạn, Hòa Liên - Túy Loan, Dầu Giây - Tân Phú…

Hiện tại, Bộ GTVT đang chủ quản 34 dự án/dự án thành phần thuộc các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Riêng năm 2024, Bộ GTVT sẽ hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án; hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương chủ quản; hoàn thành, đưa vào khai thác 23 dự án, trong đó có 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn I.
Bài, ảnh: Thanh Vân/Báo Tin tức
Thông tin về việc mở rộng 5 đoạn tuyến liên thông cao tốc Bắc Nam đến Quốc lộ 1
Thông tin về việc mở rộng 5 đoạn tuyến liên thông cao tốc Bắc Nam đến Quốc lộ 1

Bộ Giao thông Vận tải vừa có Công văn số 440/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về việc nâng cấp, mở rộng 5 đoạn tuyến từ các nút giao liên thông cao tốc Bắc - Nam đến Quốc lộ 1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN