Nguy cơ thành bãi rác container Theo Phó Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng Đỗ Trung Ngoan, đến cuối tháng 3/2016, cảng còn tồn đọng gần 1.000 container hàng tạm nhập tái xuất, hàng phế thải, trong đó chủ yếu là lốp cao su cũ. Theo Bộ Tài chính, container nhập về cảng quá 90 ngày không tái xuất được coi là hàng tồn đọng. Tuy nhiên, phần lớn số container trên đã “ăn vạ” tại Cảng Hải Phòng từ 3 - 4 năm nay, tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi ngày của cảng, hãng tàu và các cơ quan liên quan trong việc kiểm đếm hàng hóa, chi phí lưu kho bãi, dịch chuyển, xử lý ô nhiễm…
Số container tồn động tại cảng Hải Phòng sẽ được xử lý xong trước ngày 30/4. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Đến tháng 10/2014, Cảng Hải Phòng còn tồn đọng hơn 1.400 container dạng này. Mặc dù đã tích cực xử lý, vận động hãng tàu tái xuất, chủ hàng đến thanh lý giá rẻ cho các doanh nghiệp có nhu cầu tái sử dụng… nhưng cũng chỉ giải quyết được gần 400 chiếc. Mặc dù các container hàng phế thải, hàng đông lạnh nếu để lâu sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng cảng cũng không thể đem tiêu hủy vì không có thẩm quyền.
Qua tìm hiểu, có nhiều lý do dẫn tới tình trạng bỏ hàng, tồn đọng. Có doanh nghiệp nhập khẩu theo hình thức tạm nhập tái xuất nhưng thấy khả năng không xuất được nên bỏ hàng luôn. Một số khác do các bên hủy hợp đồng mua bán, mất giấy tờ nên không tới lấy hàng...
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã cố tình mở tờ khai làm đại lý nhập khẩu “phế liệu” từ nước ngoài đưa về Việt Nam rồi bỏ hàng tại cảng. Đây là kẽ hở pháp luật cần phải được siết chặt để tránh nguy cơ nước ta thành “bãi rác” container.
Theo quy định, khi hàng nhập khẩu về đến cảng, các hãng tàu sẽ cho doanh nghiệp miễn phí từ 5 - 7 ngày để thực hiện các thủ tục hải quan nhận hàng. Sau thời gian này, doanh nghiệp sẽ bị tính phí lưu container và lưu bãi. Tại cảng Hải Phòng, chỉ riêng phí lưu bãi cho các loại container thông thường trên 200.000 đồng/ngày, với các loại container hàng hóa chất, hàng đông lạnh… phí lưu kho bãi còn lớn hơn nhiều lần. Ông Ngoan than phiền: Số kinh phí lưu kho bãi, kiểm đếm, dịch chuyển hàng hóa hiện nay, cảng phải tự chi trả nên số lượng container tồn đọng càng lớn thì cảng càng thua lỗ nặng.
Cần phạt nặng
Để sớm giải tỏa số container tồn đọng nêu trên trước ngày 30/4, lãnh đạo cảng Hải phòng khẳng định sẽ “hy sinh” quyền lợi kinh tế. Bình quân chi phí xử lý mỗi container tồn đọng hiện nay lên tới 150 triệu đồng. Mặc dù vậy, cảng sẽ miễn giảm cho các hãng tàu và chủ hàng toàn bộ chi phí lưu kho bãi, kiểm đếm, dịch chuyển đã phát sinh thời gian qua để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cần siết chặt khâu thông quan container để ngăn chặn từ gốc hàng thải loại. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Lãnh đạo cảng Hải Phòng cũng kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, ngành Hải quan và TP Hải Phòng chặn ngay từ gốc tình trạng container “ăn vạ”. Theo đó, cần thống nhất cơ chế thông quan đầu vào, không cho phép nhập về cảng các mặt hàng là rác thải công nghiệp, phạt nặng hãng tàu và chủ hàng nhập container về rồi bỏ lại.
Ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho rằng: Trước mắt, các cơ quan chức năng cần đưa ra lộ trình xử lý container tồn đọng. Nếu việc bán thanh lý, tiêu hủy... thu không đủ chi cho việc xử lý thì, Nhà nước cần hỗ trợ một phần. Nhưng để ngăn ngừa tình trạng này tái diễn, cần rút ngắn thời gian cho phép hàng hóa để lại cảng. Thay vì 90 ngày như quy định thì nên rút ngắn lại còn 30 ngày. Trong đó, yêu cầu các cảng trích lập quỹ dự phòng hằng năm để xử lý hàng tồn đọng, mà không phải trích tiền từ ngân sách nhà nước.
Rõ ràng, việc xử lý nhanh các “bãi rác” container tồn đọng là vấn đề cấp thiết hiện nay, vì càng để lâu càng nguy hại cho môi trường. Cơ chế xử lý cần kiên quyết, thậm chí chuyển hồ sơ sang xử lý trách nhiệm hình sự để răn đe các hành vi tương tự. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại quy định về hoạt động nhập khẩu theo hình thức tạm nhập tái xuất, cũng như quy định cho phép chủ hàng có thể từ chối nhận hàng nhập khẩu nếu không đúng với hợp đồng.