Hãng tin Rianovosti của Nga nhận định cả Hy Lạp và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ được nhiều hơn là mất từ việc Athens rút khỏi nhóm này.Vào ngày 20/2, Hy Lạp và Đức đã đạt được thỏa thuận nhằm tránh điều mà một vài đơn vị truyền thông gọi là “thảm họa tài chính” sắp xảy ra.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Chính phủ Hy Lạp đã đồng ý kéo dài chương trình cứu trợ kinh tế hiện hành thêm 4 tháng, điều mà bộ máy chính quyền mới được bầu cử của Athens trước đó đã phủ nhận khả năng xảy ra. Rianovosti nhận định chính phủ do đảng cánh tả Syriza dẫn đầu đã thương thuyết với sự nhân nhượng quan trọng và những cải tổ trong nền kinh tế Hy Lạp sẽ được quyết định bởi Athens chứ không phải "bộ ba chủ nợ" IMF-EU-ECB.
Lý do đầu tiên được đưa ra cho đề xuất Hy Lạp nên "chia tay" Eurozone dựa vào việc năm 2010, Hy Lạp đã ở trên bờ vực vỡ nợ với nợ công 146% GDP, tăng nhiều so với 127% vào năm 2009. Và gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro được cung cấp bởi EU-IMF-ECB để hồi phục kinh tế Hy Lạp trong khoảng thời gian từ 2010-2013 đã trở nên mờ nhạt khi những chính sách khắc khổ chưa được ủng hộ nhiều bởi Athens.
Ngược lại, cũng trong thời điểm đó, Ireland, một đất nước cũng chịu khoản nợ nặng nề thuộc Eurozone đã hòan thành gói cứu trợ với các biện pháp khắc khổ hiệu quả và dần có sự "bình phục". Như vậy Hy Lạp dường như không sẵn sàng tuân theo những luật lệ thông thường và điều này khiến Eurozone không có khả năng gánh vác cho một "kẻ đi nhờ miễn phí" vào thời điểm này.
Lý do thứ hai là sự khác nhau giữa hình mẫu kinh tế của Đức (đầu tàu của Eurozone) và Hy Lạp. Rianovosti nhận định trong khi Đức phát triển dựa vào ngân sách liên bang và tăng số thặng dư của cán cân thương mại thì Hy Lạp phần lớn lại dựa vào chi tiêu chính phủ. Trong năm 2014, Đức đã báo cáo về việc cân bằng ngân sách đầu tiên kể từ năm 1969.
Lý do cuối cùng khiến Hy Lạp có thể rời khối Eurozone bởi vì nước này hiện đang gánh khoản nợ 320 tỉ euro (phần lớn là từ Đức) và đây thực sự chưa phải là nguyên nhân có thể dẫn đến vỡ nợ. Rianovosti cho rằng Athens có tiền để trả nợ ngay lập tức, đơn giản là hiện nay họ không muốn bán những tài sản của họ hoặc vẫn ưu tiên nhận tiền cứu trợ.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu, Hy Lạp có thể đạt được mức tăng trưởng cơ bản 4,5% GDP bằng việc cắt các khoản chi trả xã hội. Hy Lạp đã sử dụng 17,5% GDP để chi trả tiền lương hưu trong khi con số này so với mức của các nước Eurozone là 13,8% và tại Đức là 12,3% .
H.Linh (Theo Rianovosti)