Đây là lần đầu tiên Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Hội chợ hàng tiêu dùng thương hiệu Nhật Bản với gần 100 gian hàng của các công ty đến từ Nhật Bản, các đại lý chi nhánh của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu sản phẩm Nhật Bản...
Hàng Nhật hút khách Việt. |
Chị Liên Phương (nhân viên văn phòng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nghe tin hội chợ hàng Nhật diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội liền kéo cả nhà đến mua sắm. Chị Phương cho biết: "Bình thường tôi phải nhờ người quen mua đồ bên Nhật Bản rồi chuyển về Việt Nam cho yên tâm. Nay được đến chọn lựa trực tiếp nên rất thuận tiện".
Trong khi đó, anh Tuấn Anh (Lê Duẩn, Hà Nội) cho biết, hôm qua đã đến hội chợ nhưng vì đông quá nên đành ra về. Anh cho biết cuối tuần sẽ quay lại.
Ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức tại gian hàng của công ty Konbini, các mặt hàng hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng được bày bán với nhiều chủng loại, kiểu dáng và mẫu mã. Giá nhiều mặt hàng như găng tay cao sũ, đũa ăn, cái mở đồ hộp... không cao hơn nhiều hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, gian hàng Daiso với đồng giá 40.000 đồng/sản phẩm cũng thu hút đông khách hàng. Theo quan sát của phóng viên, các sản phẩm mang thương hiệu Nhật và được sản phẩm ở nhiều nước như Nhật, Thái Lan, Trung Quốc và cả Việt Nam.
Chị Lê Hà, giám đốc công ty Konbini cho biết, việc hàng Nhật sản xuất ở một nước khác không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm vì chất lượng, nguồn nguyên liệu vẫn được các công ty Nhật giám sát chặt chẽ. Chỉ khi đạt tiêu chuẩn, hàng hóa mới được lưu thông trên thị trường.
Chị Hà cho biết thêm, đây là cách để các doanh nghiệp Nhật giảm giá thành sản phẩm do khi sản xuất ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan sẽ tận dụng được nguồn nhân công và nguyên liệu giá rẻ, giá thành hạ và hàng hóa dễ xâm nhập hơn vào các nước, trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên, nhiều người tiêu dùng cho biết, hàng Nhật có kiểu dáng rất bắt mắt, chất lượng đảm bảo. "hơn nữa, người Việt bây giờ rất quan tâm đến độ an toàn của sản phẩm và điều này thì hàng Nhật đáp ứng được", bà Hà nhận định.
Khách phải xếp hàng chờ thanh toán. |
Trước làn sóng hàng Nhật nói riêng và hàng ngoại nói chung đổ bộ vào Việt Nam, đại diện cơ quan quản lý không khỏi cảm thấy lo lắng. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế thì xu hướng cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Để cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm và phải hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt Nam.
Theo bà Nga, hàng Việt cần học tập cách thiết kế kiểu dáng, mẫu mã thu hút của hàng Nhật. Nhiều mặt hàng tiêu dùng của Nhật còn thể hiện được sự thông minh, sáng tạo của người Nhật. Điều này hàng Việt chưa đáp ứng được.
Theo Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đang không ngừng phát triển. Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và EU. Trong 11 tháng đầu năm 2016, thương mại song phương Việt - Nhật đã đạt 27 tỷ USD và có xu hướng không ngừng tăng.
Tỷ lệ hàng Nhật trên thị trường không ngừng tăng và cạnh tranh với hàng Việt thêm khốc liệt hơn. "Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa hàng Việt về các vùng nông thôn. Các doanh nghiệp trong nước nên tận dụng cơ hội này để chiếm lĩnh thị trường", bà Nga nói.