Hành khách đi xe buýt nhanh tăng mạnh từng ngày

Sau 12 ngày đi vào vận hành, lượng hành khách đi xe tăng mạnh từng ngày, cho thấy hiệu quả vận tải khách công cộng của buýt nhanh BRT.

Chị Trúc Mai, cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 18 Láng Hạ chia sẻ: “Hàng ngày, tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị cùng đồng nghiệp lái xe ô tô từ Tập đoàn đến Trung tâm Yoga tại Nhà văn hóa Thanh Xuân trên đường Lê Văn Lương để tập. Thời gian lấy xe và đến câu lạc bộ mất khoảng 30 phút. Nhiều hôm “loay hoay”, chật vật mới lấy được xe từ trong hầm tòa nhà đi ra, gặp đường đông, đến nơi có thể mất 45 phút. Hôm nay, trời mưa, đường tắc, mọi người rủ nhau thử nghiệm buýt nhanh BRT. Tính tất cả thời gian di chuyển từ văn phòng, đi bộ vào nhà chờ, đến nơi tập mất có 20 phút. Rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian và không bị mưa. Mọi người đều thống nhất từ bây giờ sử dụng buýt nhanh…”.

Đường dẫn vào nhà chờ buýt nhanh Láng Hạ kết nối với cầu vượt Láng Hạ rất tiện lợi cho hành khách.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) sau 12 ngày vận hành chính thức, tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã thực hiện được khoảng 3.400 lượt xe, vận chuyển gần 128.000 lượt khách, đạt bình quân 32 khách/lượt xe.

Nếu như trong ngày đầu hoạt động, chỉ có 8.300 lượt khách, con số này đã liên tục tăng lên hơn 10.000 khách ngày thứ hai, hơn 11.000 nghìn khách ngày thứ ba... Trong 10 ngày qua, buýt nhanh BRT đã thực hiện đầy đủ theo biểu đồ, đạt 358 lượt/ngày, tỷ lệ xuất bến đúng giờ đạt 99,7%, trung bình mỗi nhà chờ đón gần 500 khách/ngày.

Đáng chú ý, lượng khách đi xe buýt nhanh BRT tăng liên tục theo từng ngày, ngày thứ 11 vận hành đã tăng tới 59% so với ngày đầu. Dịch vụ của xe buýt nhanh BRT bảo đảm chất lượng và an toàn, được đông đảo hành khách ghi nhận.

Theo khảo sát của phóng viên, đối tượng đi xe buýt nhanh khá đa dạng so với các tuyến buýt thường, không chỉ là học sinh, sinh viên, mà có đông hành khách là cán bộ, nhân viên văn phòng, người cao tuổi, trẻ em và có cả người khuyết tật. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật sử dụng vẫn còn nhiều bất cập, như đường dẫn vào nhà chờ xa, chưa có đường lên xuống dành riêng. Bên cạnh đó, nhiều nhà chờ chưa có kết nối với cầu vượt bộ hành để hành khách có thể sang đường vào nhà chờ ngay...

Bác Trần Hạnh, thương binh hạng ¾, nhà ở phố Thái Hà cho biết: “Mấy hôm nay, ngày nào tôi cũng đi buýt nhanh 2 lần đi và về từ Láng Hạ đến Tố Hữu, sáng đi, chiều về. Xe đi nhanh, sạch sẽ, thoáng mát, nhân viên thân thiện. Tuy nhiên, điều kiện sử dụng cho người khuyết tật tại các nhà chờ chựa thuận tiện, nhất là đối với người dùng xe lăn. Nếu cơ quan chức năng cải thiện được tình trạng này sẽ rất hữu ích cho những hành khách như chúng tôi. Đơn cử như tại nhà chờ Vũ Ngọc Phan, mặc dù có lối vào nhà chờ sau vạch trắng băng qua đường, nhưng không có đường dẫn, hành khách đi xe lăn không thể tự mình lên nhà chờ...”.
 
Thêm một bất cập nữa theo phản ánh của nhiều hành khách, khá nhiều trường hợp xe buýt nhanh khi đến nhà chờ, nhưng đến nơi, cửa nhà chờ “nhất định không mở” dù lái xe đã tiếp cận chính xác. Việc này theo các lái xe buýt nhanh là do trục trặc kỹ thuật cảm biến cửa tự động, nếu không khớp nối chuẩn với bậc lên xuống tại nhà chờ, cửa sẽ không mở. Việc này sẽ sớm được khắc phục...
 
Không thể phủ nhận những tính năng ưu việt của buýt nhanh BRT khi đưa vào vận hành. Việc số hành khách sử dụng tăng nhanh là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy buýt BRT đang dần được hành khách đón nhận, ủng hộ.

Bài, ảnh: Tiến Hiếu
Xe buýt nhanh tại Hà Nội - Góc nhìn từ Thụy Sĩ
Xe buýt nhanh tại Hà Nội - Góc nhìn từ Thụy Sĩ

Đọc tin tức ở Việt Nam thấy một bức ảnh dù đường đông mà không ai lấn sang làn buýt ở Hà Nội tôi rất mừng. Nó khiến tôi nhớ mình từng 2 lần thi trượt bằng lái xe ô tô bên Thụy Sĩ vì liên quan đến xe buýt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN