Hành lang xanh
Theo lãnh đạo ACV, doanh nghiệp mong muốn xây dựng hành lang xanh được cấu thành từ “Con người xanh” (nhân viên hàng không, hành khách), “Phương tiện, hạ tầng xanh” (sân bay, máy bay và các phương tiện chuyên chở hành khách) và “Quy trình xanh” (giảm thiểu tối đa hạn chế tiếp xúc, tuân thủ quy trình phòng dịch). Trong đó, các hãng hàng không nội địa chủ động xây dựng các tiêu chí hành lang xanh.
Hiện nay, các hãng hàng không nội địa đều đã thống nhất việc nghiên cứu, đóng góp hoàn thiện chương trình hành lang xanh dựa trên tài liệu khung định hướng các biện pháp an toàn sức khỏe để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh COVID-19 trong ngành Hàng không.
Theo đó, các hãng hàng không chủ trì xây dựng các tiêu chí cho "hành khách xanh", "máy bay xanh", "phương tiện xanh", "quy trình xanh"; ACV chủ trì xây dựng các tiêu chí "hạ tầng xanh", "quy trình khai thác xanh". Dự kiến đầu tuần tới, việc xây dựng hành lang xanh sẽ được hoàn tất. Đây sẽ là cơ sở cụ thể để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 xem xét, chỉ đạo khôi phục khai thác hoạt động bay nội địa và từng bước mở các chuyến bay quốc tế.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ GTVT kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa, được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (áp dụng thí điểm 2 tuần sau khi kế hoạch được ban hành), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với thời điểm tuần đầu tiên tháng 4/2021 của từng hãng hàng không; giai đoạn 2 (áp dụng 2 tuần tiếp theo giai đoạn 1), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với thời điểm tuần đầu tiên tháng 4/2021 của từng hãng; giai đoạn 3 (áp dụng tiếp theo giai đoạn 2 nếu không có thông báo khác của Cục Hàng không Việt Nam), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng, không vượt quá so với thời điểm tuần đầu tiên tháng 4/2021 và được khai thác theo nhu cầu của hãng hàng không khi toàn bộ các địa phương tại Việt Nam dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Điều kiện để hành khách được bay là phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1, chỉ áp dụng với khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển, tiếp nhận của các địa phương đi và đến. Hành khách có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được cơ sở cách ly vận chuyển thẳng bằng xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến cảng hàng không, sân bay xuất phát; hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine. Trong đó, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Giai đoạn 2, khách được phục vụ gồm khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển, tiếp nhận của các địa phương đi và đến. Khách có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được cơ sở cách ly vận chuyển thẳng bằng xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến cảng hàng không xuất phát hoặc có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine. Trong đó, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát hoặc có xác nhận lưu trú tại khu vực không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tối thiểu 14 ngày trước khi di chuyển.
Trong giai đoạn 3, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất không hạn chế về đối tượng hành khách được vận chuyển.
Bám sát diễn biến kiểm soát dịch
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, hành lang xanh của ACV và các điều kiện hành khách được bay nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế cho các địa phương trong điều kiện đảm bảo công tác phòng chống dịch. Khi mở lại các đường bay nội địa, các hãng hàng không được chủ động tổ chức vận chuyển (xây dựng lịch bay, mở bán, tiến hành khai thác…), từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho hành khách đủ điều kiện về phòng chống dịch COVID-19.
Để mở lại đường bay, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không đang có Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hoặc Giấy phép kinh doanh hàng không chung do Bộ GTVT cấp và Giấy chứng nhận người khai thác do Cục cấp còn hiệu lực; đáp ứng các yêu cầu tại Hướng dẫn tạm thời về kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng không trong thời gian phòng chống dịch của Bộ GTVT.
Bên cạnh đó, để bám sát các yêu cầu phòng chống dịch, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không đảm bảo đội ngũ tổ bay và các nhân viên nhân viên hàng không khác tham gia dây chuyền phục vụ chuyến bay đều được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine phòng COVID-19; tổ bay có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi thực hiện chuyến bay và tổ bay phải đảm bảo duy trì các điều kiện theo quy định về khai thác bay.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các Cảng vụ hàng không phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương, cảng hàng không giám sát việc thực hiện phòng dịch của hãng hàng không và hành khách tại sân bay theo quy định tại hướng dẫn tạm thời về kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng không trong thời gian phòng chống dịch của Bộ GTVT ban hành theo Quyết định số 1654/QĐ-BGTVT ngày 9/9/2021.
Qua tìm hiểu, vừa qua Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại các đường bay nội địa đi tới các địa phương, đặc biệt là Phú Quốc đang là tin vui đối với các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet... Đây cũng là tiền đề để các hãng hàng không sớm lên các kịch bản đón hành khách trở lại các sân bay.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất thí điểm đón khách tới sân bay Phú Quốc, dự kiến từ tháng 10/2021. Tuy nhiên, các hãng hàng không có thể bị tạm dừng bay toàn bộ đường bay nội địa 1 tuần trong trường hợp tổ chức khai thác không đúng với yêu cầu, đề xuất được phê duyệt.