Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành sáng ngày 11/10 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã khẳng định quan điểm: "Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước". Điều này nhấn mạnh, cộng đồng doanh nhân cần tập trung cao và quyết liệt để thực hiện cho được những sứ mệnh to lớn với những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Báo cáo mới nhất từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP, tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động, tạo ra khối lượng hàng hoá dịch vụ lớn và phong phú, chất lượng, thay thế được nhiều mặt hàng phải nhập khẩu, góp phần cải thiện và nâng cao mức tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu...
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới gần 900 nghìn doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các hợp tác xã tạo nên lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam nằm trong Top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu và đời sống nhân dân cả nước.
Muốn làm được điều này, mỗi doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng kinh tế tư nhân nói chung cần hội tụ nhiều yếu tố quan trọng như nội lực tài chính, kiến thức pháp luật, tư duy kinh tế và năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường và bề dày kinh nghiệm, uy tín...; đồng thời không thể thiếu tinh thần tích cực, ý chí quật cường, vượt khó, khắc phục mọi thách thức, gian nan để đứng vững trên thị trường.
Ông Trần Công Thành, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Vibest cho hay, là một doanh nhân đích nhắm không chỉ là tiền, là lợi nhuận cho doanh nghiệp của chính mình, mà còn cần những đóng góp, cống hiến cho cộng đồng xã hội; là công ăn việc làm cho người lao động, là thuế đóng vào ngân sách nhà nước, là các hoạt động công ích, từ thiện cùng cộng đồng chăm lo những hoàn cảnh khó khăn... Đó cũng là hành trình ngắn nhất, nhanh nhất đem lại cho doanh nghiệp nhiều giá trị hơn, như: sự kết nối, tầm ảnh hưởng, là uy tín mà có thể phải mất rất nhiều tiền bạc, thời gian mới tạo dựng được nhân hiệu và thương hiệu cho doanh nghiệp.
Cho đi chính là để nhận lại, nếu xây dựng được hệ thống con người, kết nối được mạng lưới cộng đồng các chủ doanh nghiệp, sẽ giúp bạn không chỉ uy tín mà còn là năng lượng, ngân lượng, là điểm tựa vững chắc giúp doanh nghiệp ổn định mỗi khi gặp biến cố, khó khăn. Giai đoạn COVID-19 qua đi, đã chứng minh sức mạnh của việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, kết nối mạng lưới các chủ doanh nghiệp.
"Chúng tôi không chỉ tập trung để trở nên 1 doanh nghiệp có thể lực cạnh tranh khoẻ mạnh, mà còn cần duy trì sự bền bỉ, ổn định và vững chắc bằng mạng lưới các nhà cung cấp, các đối tác khách hàng, các mối quan hệ cộng đồng xung quanh mình", ông Thành nhấn mạnh.
Có như thế bước ra thế giới bao la rộng lớn, doanh nghiệp Việt Nam mới thực sự đủ trình độ, xứng tầm cạnh tranh, đưa nền kinh tế Việt Nam vươn tới đích tăng trưởng.