Hội thảo khoa học “60 năm Giải phóng Thủ đô - Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển”, do bốn cơ quan lãnh đạo của thành phố gồm: Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố cùng phối hợp chủ trì, diễn ra ngày 3/10/2014, tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là một cuộc tổng kết khá toàn diện về Thủ đô trong hành trình dài của mình, đặc biệt là 60 năm sau ngày giải phóng.
Những bước đi vững chắc
Hà Nội có một hành trình dài, từ lúc hình thành kinh đô Thăng Long, tới giai đoạn Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 và quá trình hội nhập với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của 60 năm qua.
Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng là hình ảnh tượng trưng 5 cửa ô của Thủ đô. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Suốt hành trình này, với vai trò là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn có những đóng góp to lớn cho đất nước, cũng như luôn chứng minh được vị trí đầu tàu của mình. Trong những thành tựu ấy của Hà Nội, có vai trò của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ Hà Nội trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô 60 năm qua.
Và để phát huy vai trò của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố trong thời gian tới, cần nhìn nhận, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học và làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm đã được rút ra trong thời gian qua. Cùng với đó, là việc làm thế nào để đề xuất được những giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức và phát huy điều kiện thuận lợi về mọi mặt để đẩy mạnh sự phát triển toàn diện, bền vững của Thủ đô. Đó chính là những mục đích của cuộc hội thảo lớn này.
Với mục đích, ý nghĩa lớn như vậy nên đại diện các cơ quan, đơn vị, sở ngành... của Hà Nội đều góp mặt với nhiều tham luận chất lượng tại hội thảo. Các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành cũng đều gửi gắm những tâm huyết của mình với Thủ đô trong những trang viết. Nhiều người nước ngoài đã có thời gian gắn bó với Thủ đô cũng góp mặt. Theo đại diện Ban tổ chức, Hội thảo, với 70 tham luận tại Hội thảo, sẽ cung cấp những nhìn nhận, đánh giá rất đa chiều và toàn diện về Thủ đô, về những vấn đề về lịch sử - chính trị, văn hóa - xã hội, kinh tế - đối ngoại; chuyện của quy hoạch và phát triển đô thị, những thành tựu, thời cơ, cơ hội và thách thức của Hà Nội trong hành trình phát triển 60 năm và những năm tiếp theo.
Tại hội thảo, lãnh đạo thành phố Hà Nội nhìn nhận lại những thành tựu mà Hà Nội đạt được trong 60 năm qua. Ngày 10/10/1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, Hà Nội đã được giải phóng, kết thúc ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước ta, mở đầu thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngày giải phóng Thủ đô đã đi vào lịch sử, như một mốc son chói lọi, mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Hà Nội và cả nước.
Suốt 60 năm qua, Hà Nội là nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa sức mạnh, nơi hội tụ và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên của cả dân tộc. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, đã lập nên nhiều chiến công vang dội, nhiều thành tựu đáng tự hào trong đấu tranh, xây dựng và phát triển. Hà Nội trở thành niềm tin yêu của nhân dân cả nước, được thế giới tôn vinh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” (1999), được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng” năm 2000.
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn sâu sắc của 60 năm xây dựng và phát triển, những năm gần đây, Hà Nội đang chuyển mình với nhiều thành tựu khởi sắc. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá cao, luôn đạt gấp 1,5 lần so với cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước, từ năm 2000 đến năm 2013 tăng hơn 11 lần. GDP bình quân đầu người tăng gần gấp 3 lần so với năm 1989. Tính từ năm 1990 đến nay, cứ sau 5 năm, giá trị sản xuất trên địa bàn đã bằng 2,5 lần so với trước đó. Quản lý đô thị có tiến bộ, hạ tầng đô thị phát triển mạnh theo hướng văn minh hiện đại… Vị thế của Hà Nội ngày càng được nâng cao.
Những thách thức phải vượt qua
Bên cạnh việc khẳng định những thành công của Hà Nội trong 60 năm qua, theo Ban tổ chức, tại hội thảo, lãnh đạo Thủ đô và các đại biểu cũng tập trung phân tích những thách thức, khó khăn mà Thủ đô phải đối diện trong thời gian tới.
Theo đó, cùng với cả nước, Hà Nội đón nhận những vận hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức gay gắt. Có những vấn đề khách quan, có những vấn đề chủ quan xuất phát từ chính những mất cân đối có lúc trở thành nghiêm trọng trong quá trình phát triển như các vấn đề về giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, huy động các nguồn lực… Do vị thế là Thủ đô nên mỗi chủ trương, chính sách của thành phố cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì đều có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự ổn định chính trị - kinh tế - xã hội cả nước.
Trong khi đó, sau khi mở rộng địa giới hành chính, trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa bàn không đồng đều, cơ cấu kinh tế và hệ thống quản lý giữa các địa phương cũng chưa ăn khớp nhịp nhàng, nên chưa thể phát huy ngay những tiềm năng và lợi thế do việc mở rộng địa giới mang lại. Hà Nội cũng chịu các tác động mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế như: Tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh; kinh tế phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều nguồn lực và lợi thế chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả. Sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô còn hạn chế, hội nhập kinh tế quốc tế chưa đáp ứng yêu cầu. Sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô chưa tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trên lĩnh vực văn hóa, đời sống tinh thần có một số mặt xuống cấp; nhiều tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống… chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch còn nhiều bất cập…
Trước thực tế này, các ý kiến tranh luận, thảo luận tại hội thảo tập trung hiến kế để Hà Nội phát triển toàn diện, bền vững, cơ bản trở thành Thủ đô công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, trở thành một trung tâm ngày càng có uy tín ở khu vực và quốc tế. Đặc biệt Hà Nội phải đi vào phát triển kinh tế tri thức, phát triển các ngành kinh tế có chất lượng cao, ở trình độ hiện đại, phải bằng mọi cách khai thác, sử dụng và phát huy mạnh mẽ tiềm lực trí tuệ của Thủ đô, tạo mọi điều kiện để các chuyên gia, các nhà khoa học có cơ hội cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô…
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội:
Hội thảo khoa học “60 năm giải phóng Thủ đô - Thành tựu, thời cơ thách thức và phát triển” thu hút đông đảo các nhà khoa học. Hội thảo tập trung làm rõ thành tựu Thủ đô trong 60 năm qua trong quá trình xây dựng và phát triển, từ đó phân tích, làm rõ thời cơ, thách thức của Hà Nội trong bối cảnh hội nhập và đề xuất giải pháp giúp Thủ đô phát triển. Hội thảo nằm trong chùm hoạt động chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô và đây là hoạt động mang tính chuyên sâu với Hà Nội; qua đó giúp lãnh đạo thành phố có thêm tư vấn, kiến nghị mang tính khách quan khoa học của đội ngũ nhà khoa học từ Trung ương đến thành phố; trên cơ sở chắt lọc ý kiến đóng góp sẽ xác định định hướng phát triển trong thời kỳ mới.
TS Katherine Muller-Marin, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam:
Là một Thành phố hòa bình, một thành phố của đối thoại liên văn hóa, Hà Nội đã chứng tỏ xứng đáng với danh hiệu của mình bằng việc tạo ra ngôi nhà bền vững cho tất cả cư dân và du khách của thành phố này. Thành phố đang đương đầu với những thách thức mới nhằm bảo đảm rằng mọi người dân đều có thể thụ hưởng đầy đủ của cải vật chất và hạnh phúc và một đời sống tri thức và sáng tạo viên mãn, đồng thời nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội - thương hiệu độc nhất vô nhị của thành phố - để gìn giữ và chia sẻ với những thế hệ tiếp theo. Tăng cường bảo vệ di sản văn hóa như một kho báu của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, là một ưu tiên của quốc gia và của UNESCO.
GS.TS. NGND Vũ Dương Ninh (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN):
Hà Nội, với vị thế thành phố Thủ đô, có nghĩa vụ làm trọn vai trò đại diện cho cả nước trong việc giao tiếp với nước ngoài. Phải làm sao để mỗi người dân Hà Nội trở thành một đại sứ trong hoạt động đối ngoại nhân dân, đem lại hình ảnh thân thương trong con mắt khách nước ngoài, khắc ghi một ấn tượng đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Một nụ cười tươi, một lời nói lịch sự, một cử chỉ mến khách, một sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân Hà Nội, từ anh lái taxi đến chị bán hàng, từ đồng chí cảnh sát giao thông đến các em học sinh quàng khăn đỏ, từ nhân viên thường trực công sở đến bác đạp xích lô…, tất cả đều mang lại cho khách (kể cả khách trong nước) một niềm vui, một ý nghĩ đẹp về con người Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nhưng ngược lại hình ảnh của chúng ta sẽ xấu đi. |
Xuân Cường