Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức với sự tham gia của gần 300 đại biểu, đại diện các bộ, ban ngành Trung ương, các hiệp hội, ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp và chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực công nghệ số.
Tại hội thảo, đa phần các chuyên gia, diễn giả đều có chung nhận định, trong một thập kỷ qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh, với những hiện tượng mới nổi như: công nghệ blockchain, nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử, thương mại điện tự, nông nghiệp chính xác…
Các doanh nghiệp đã có sự quan tâm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn vào phát triển các phần mềm, ứng dụng nội dung số và truyền thông. Nhiều doanh nghiệp cũng đã tham gia vào việc sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin và thúc đẩy tiến trình số hóa nền kinh tế.
Qua giai đoạn hoàn thiện và phát triển, nền kinh tế số Việt Nam cũng phát sinh nhiều vấn đề bất cập cần được giải quyết như khung pháp lý; an toàn, an ninh mạng; sự thiếu hụt nguồn nhân lực ICT chất lượng cao; việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển Chính phủ điện tử….
Khẳng định tầm quan trọng và xu hướng phát triển kinh tế số tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu, khách quan đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và dành sự quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng quan trọng để phát triển công nghệ thông tin truyền thông; thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ.
Ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, qua kinh nghiệm thực tế và cũng qua tổng hợp ý kiến từ các khách hàng tới từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…đều nhận định, hiện nay, chưa có nơi nào việc sử dụng công nghệ thông tin, truy cập Internet lại rẻ, tốt và nhanh như ở Việt Nam. Điều đó chứng tỏ hạ tầng viễn thông đang ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển theo xu hướng thời cuộc, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên toàn cầu.
Tuy nhiên việc đầu tư xây dựng để hướng tới phát triển trở thành một trung tâm cơ sở dữ liệu BigData như kỳ vọng của nhiều người là không thể và rất khó có cơ hội ấy. Bởi lẽ, việc chuyển đổi và tự động hóa như cách hiện nay chúng ta đang triển khai thì các ngân hàng quốc tế đã tiến hành từ trước đây 20 năm.
Chưa kể tới việc bây giờ mới tiến hành tạo nguồn cơ sở dữ liệu cũng sẽ là thách thức không nhỏ khi các cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý cho sự phát triển của kinh tế số còn chưa được hoàn thiện, ông Trường nhấn mạnh.
Đại diện Microsoft Việt Nam, ông Trường gợi ý, để có được vị trí số 1 trên thị trường công nghệ như hiện nay, vượt xa nhiều đối thủ cạnh tranh như Apple; Google…Microsoft và mọi thành viên thuộc cộng đồng; trong đó đều thấm nhuần và thực thi tư tưởng nội bộ: là cấp tiến, mở rộng và sáng tạo. Đó là bài học để chia sẻ và Việt Nam cũng có thể tham khảo nếu muốn vươn lên.
Đại diện một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ viễn thông, ông Lê Bá Tân, Giám đốc Trung tâm Chiến lược mạng lưới và đổi mới công nghệ, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (VTNET) cho biết, hiện nay, hạ tầng kết nối để cung cấp các dịch vụ viễn thông tới người dân đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Mạng cáp quang đã vươn tới 80% các hộ gia đình nên việc truy cập Internet của người dân ngày càng trở nên phổ biến và thông dụng.
Việc đầu tư cho các hạ tầng vật lý trong ngành viễn thông rất lớn nên đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Đã từng có mô hình các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ kết nối đến các hộ gia đình; các chủ đầu tư thì cung cấp hạ tầng kết nối cho các tòa nhà, khu đô thị, chung cư… Mô hình ấy thực sự đem lại hiệu quả và rất đáng được nhân rộng. Tuy nhiên vẫn cần thiết phải ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Về mặt hạ tầng phi vật lý, để phát triển kinh tế số tại Việt Nam, nếu chỉ chú trọng tới hoàn thiện hạ tầng pháp lý cũng là chưa đủ. Bởi, chờ pháp lý thì thường rất chậm; trong khi thực tiễn của sự phát triển về công nghệ trong đời sống là liên tục và biến đổi không ngừng. Vì lẽ đó, nên chăng chỉ cần xây dựng khung khổ pháp lý theo nguyên tắc cơ bản và tùy từng tình huống cụ thể sẽ có các quy định riêng.
Bên cạnh khung pháp lý, rất cần xây dựng thêm hạ tầng về văn hóa. Trong những khó khăn lớn nhất của việc chuyển đổi số hiện nay chính là sự chuyển đổi về văn hóa. Đây cũng chính là yếu tố quyết định việc chuyển đổi số; phát triển nền kinh tế số có đạt thành công hay không, ông Tân nhấn mạnh.
Vấn đề mấu chốt là cần xã hội hóa đầu tư công để hạ tầng số có thể được cung cấp đến tất cả mọi người với chi phí rẻ nhất có thể; thậm chí nếu được có thể cung cấp miễn phí. Nếu có sự kết hợp đầu tư giữa nguồn lực công và tư; giữa doanh nghiệp với Nhà nước để cùng nhau mở rộng và thúc đẩy. Chắc chắn, nền kinh tế số sẽ có nền tảng phát triển tốt trong tương lai gần, ông Tân kết luận.
Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, cần tập trung vào khâu triển khai hoạt động kinh tế số, vì trên thực tế vẫn còn khoảng cách giữa việc hoạch định, định hướng phát triển và chỉ đạo của các cơ quan quản lý so với diễn biến thực tế. Cần phải xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia kinh tế số, nhất là từ phía cơ quan chức năng. Thời gian tới, cần làm tốt việc pháp lý hóa, các quy định đồng bộ để quản lý hoạt động kinh tế số cũng như xác định rõ yêu cầu hoàn thiện thể chế, tiến độ thực hiện phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, dự báo, giá trị do các hoạt động kinh tế số tại Việt Nam có thể đạt 30 tỷ đô la Mỹ (USD) vào năm 2025 và sẽ tăng lên 160 tỷ USD nếu vận dụng tốt cơ hội, ứng dụng tốt các điều kiện do kinh tế số mang lại trong 20 năm tiếp theo.
Để có thể giải quyết những vấn đề bất cập hiện nay trong quá trình triển khai kinh tế số, Thứ trưởng Thắng cho rằng, cần nhanh chóng thiết lập mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế số; xây dựng và phát triển dữ liệu mở tại Việt Nam; giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng số cốt lõi và thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái số; thiết lập xác thực - định danh điện tử tại Việt Nam và nhiều vấn đề liên quan tới các quy định pháp lý.