Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu 6,5%, nhưng cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Thưa ông, ông dự báo ra sao về tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam năm 2024?
Năm nay, dự báo tình hình chính trị thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế đối mặt với không ít khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức tăng trưởng 6 - 6,5% của Việt Nam đặt ra năm nay không phải là không khả thi, nếu khơi thông được nội lực.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2024, chúng ta cần nỗ lực tận dụng các cơ hội, lợi thế đang có như tiếp tục cân bằng, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân kích cầu tiêu dùng, mở rộng sản xuất và các doanh nghiệp phải đa dạng hóa hình thức tiếp cận thị trường, tranh thủ các cơ hội mới để hồi phục thị trường truyền thống, thị trường ngách.
Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy đầu tư công. Muốn vậy, phương thức đầu tư cũng cần thay đổi. Việc đẩy mạnh vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng, tạo công việc mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động.
Chúng ta cần tăng thêm các chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và tiêu dùng như chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) đang được triển khai; giảm tiền thuê đất là 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023… Những chính sách này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi, bứt tốc sản xuất, kinh doanh.
Năm 2024, nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới có sự phục hồi. Đây là điểm thuận lợi thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việt Nam đang có khá nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do có các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt sẽ giúp giới đầu tư phần nào an tâm để bỏ vốn kinh doanh.
Nợ công tính đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP (hơn 3,8 triệu tỷ đồng), thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Đây có thể coi là điểm sáng điều hành tài khóa năm 2023 để từ đó, Việt Nam có nhiều dư địa vay vốn cho những dự án lớn, tạo động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả nhanh và bền vững nhất.
Ngoài ra, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 1/7/2024 sẽ tác động khá mạnh việc thúc đẩy tăng nguồn thu nhập cho người lao động, cầu đầu tư tăng, cầu tiêu dùng tăng.
Thưa ông, ông đánh giá ra sao về cơ hội dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài sau dịch COVID-19? Doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này không?
Điểm sáng trong năm 2023 là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2023 đạt 36,61 tỷ USD; giải ngân khoảng 23,18 tỷ USD, mức cao kỷ lục.
Vừa qua, CEO của Tập đoàn Nvidia - Tập đoàn bán dẫn hàng đầu Mỹ - đến Việt Nam bày tỏ mong muốn đầu tư là chất xúc tác thụ động. Tập đoàn này có thực sự đến Việt Nam đầu tư hay không sẽ phụ thuộc vào sự chủ động của Việt Nam. Các bộ, ngành cần kịp thời có các chính sách đào tạo đội ngũ nhân lực về khoa học tự nhiên như kỹ sư công nghệ, toán học, để đáp ứng yêu cầu các ngành công nghệ mới; có giải pháp hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực để song hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài trong việc hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế. thu hút nguồn vốn FDI.
Tôi cho rằng, khi Việt Nam và Mỹ ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đây là động lực mới cho đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong năm 2024.
Trong bối cảnh Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024, cần tính đến các chính sách hỗ trợ những nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Chính phủ cần có đánh giá tổng thể hệ thống chính sách ưu đãi thu hút đầu tư hiện nay và cũng cần tính đến phương thức hỗ trợ theo hướng giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, hỗ trợ hạ tầng logistics, tiếp cận thị trường, tạo không gian phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí cho các nhà đầu tư.
Thưa ông, nút thắt lớn nhất của Việt Nam hiện vẫn là vấn đề liên quan đến thể chế, Chính phủ khá quyết liệt trong chuyện giải quyết vấn đề này. Quan điểm của ông về đảm bảo chính sách an sinh xã hội để người dân, doanh nghiệp bớt phần khó khăn như thế nào?
Hiện vẫn có tình trạng văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tế. Mặc dù vậy, nhưng người cán bộ, quản lý không thể làm khác được, vẫn phải tuân thủ. Như vậy, cần phải tháo gỡ thể chế này ở mức cao hơn, thống nhất hơn.
Tôi nghĩ, an sinh xã hội là một vấn đề phải tập trung hơn nữa trong năm 2024. Đó không chỉ là đơn thuần có chính sách giúp, cứu trợ cho người đói, người nghèo, mà phải tạo được sự ổn định về kinh tế xã hội, ổn định tâm lý cũng như cuộc sống để người dân, doanh nghiệp đều an tâm về cuộc sống, đầu tư không sợ rủi ro.
Việt Nam cần thực hiện cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hơn nữa, để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng để phát triển bền vững. Hiện nay, mặc dù hệ thống bảo hiểm xã hội được thiết lập khá sớm, nhưng nguồn lực hạn chế. Mức độ chi trả, bồi hoàn của bảo hiểm hiện còn ít, không đáng kể, khiến người tham gia không cảm thấy thỏa mãn, an tâm. Do vậy, chúng ta cần huy động thêm nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực bảo hiểm; tái cấu trúc lại hệ thống tạo ra an sinh xã hội.
Năm 2024, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động và phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành linh hoạt, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Clip chia sẻ của TS Hoàng Văn Cường về một số gói hỗ trợ tín dụng lãi suất cho doanh nghiệp: