Cách đây không lâu, 20 tuabin Nhà máy Điện gió I (tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) công suất 30 MW đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam hòa lưới điện quốc gia. Giấc mơ điện gió của Việt Nam coi như đã trở thành hiện thực, nhưng đường rộng cho điện gió vẫn chưa thông nếu những vướng mắc như chi phí đầu tư cao, giá bán điện còn thấp chưa được tháo gỡ.
Tiềm năng lớn nhất khu vực
Qua khảo sát và đánh giá của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế giới (WB) về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á, trong bốn nước được khảo sát thì Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia. Trong khi Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ “tốt” đến “rất tốt” để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn thì diện tích này ở Campuchia và Thái Llan là 0,2%, ở Lào là 2,9%. Còn theo đánh giá của Bộ Công Thương, điều kiện tự nhiên ở nước ta có thuận lợi cơ bản để phát triển điện gió với tổng công suất lên đến 513.360 MW (tức là hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020).
Nhà máy Điện gió 1 tại huyện Tuy Phong với 20 tuabin gió vừa được khánh thành ngày 18/4/2012. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Chỉ tính riêng tỉnh Bình Thuận cũng có trên 75.000 ha diện tích có tiềm năng đưa vào quy hoạch sản xuất điện gió, với tổng công suất có thể lắp đặt khoảng 5.030 MW. Tuy nhiên, đến nay cả nước mới có khoảng 20 dự án đang triển khai tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Lâm Đồng. Riêng tỉnh Bình Thuận có 16 dự án điện gió đăng ký đầu tư với tổng công suất 1.350 MW. Trong đó mới có Nhà máy Điện gió I tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Ngoài ra, nhà máy này cũng đang chuẩn bị các bước để khởi công giai đoạn 2 của dự án với công suất khoảng 90 MW.
Nắm bắt tiềm năng và lợi thế về điện gió Việt Nam, ngày 14/5, Tập đoàn Timar (Malaixia) và UBND tỉnh Ninh Thuận cũng tổ chức hội thảo “Giới thiệu và triển khai công nghệ sản xuất điện gió tiên tiến lực nâng từ tính của Timar tại Ninh Thuận” và ký kết bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Theo đó, Timar sẽ đầu tư phát triển ngành năng lượng điện gió công nghệ mới tại Ninh Thuận với tổng kinh phí đầu tư khoảng 800 triệu USD và dự kiến khởi công trong năm 2012. Cụ thể, Timar sẽ xây dựng cơ sở sản xuất phụ kiện ngành năng lượng gió áp dụng công nghệ và kỹ thuật mới, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ về vốn và công nghệ nếu các dự án phát triển điện gió đầu tư tại Ninh Thuận muốn hợp tác với Timar. Thời gian tới, Timar sẽ đầu tư 2 nhà máy lắp ráp tại Việt Nam để góp phần giảm giá thành của sản phẩm này.
Tạo “động lực” cuốn hút nhà đầu tư
Quy hoạch điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh mục tiêu “Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này lên mức 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030”. Trong đó, đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030; điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.
Thế nhưng, đến nay sự phát triển nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do đang gặp một số trở ngại như suất đầu tư và giá thành sản xuất khá cao và giá phát điện chưa hợp lý khiến các nguồn năng lượng tái tạo rất khó cạnh tranh với các nguồn điện khác. Theo tính toán của các chuyên gia về giá thành điện gió cho thấy, nếu sử dụng công nghệ châu Âu thì suất đầu tư đã lên tới 2.250 USD/kW (tính theo công suất), còn nếu sử dụng công nghệ Trung Quốc thì suất đầu tư cũng là 1.700USD/kW. Với suất đầu tư này, giá điện gió bình quân tối thiểu cũng ở mức 10, cents/kWh với thiết bị châu Âu và Mỹ. Còn với thiết bị Trung Quốc, giá bán điện cũng phải 8,6 cents/kWh. Giá bán này cũng được tính tới thời gian hoàn vốn lên tới xấp xỉ 20 năm, thời gian khấu hao thiết bị là 12 năm. Theo tính toán này, nếu giá bán điện cho hệ thống được chấp nhận ở mức 6,8 cents/kWh, thì phần thiếu hụt còn lại để nhà đầu tư cân bằng được chi phí là từ 0,9 – 3 cents/kWh (tùy thuộc vào loại công nghệ). Vì thế, nếu không được Nhà nước trợ giá thì sẽ không có nhà đầu tư điện gió nào chịu nổi thua lỗ.
Để tháo gỡ khó khăn đối với các dự án điện gió, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/QĐ-TTg, trong đó quy định việc hỗ trợ cho giá điện đối với dự án điện gió nối lưới. Theo đó, bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tương đương 7,8 cents/kWh. Giá này còn được điều chỉnh theo biến động của tỉ giá VND/USD. Nhà nước sẽ hỗ trợ giá điện cho EVN đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 207 đồng/kWh (khoảng 1 UScents/kWh) thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm theo dõi, đề xuất hiệu chỉnh mức giá mua điện tại điểm giao nhận và mức hỗ trợ giá điện trình Thủ tướng quyết định trên nguyên tắc giảm dần tiến tới xóa bỏ trợ giá khi giá bán điện thực hiện theo giá thị trường. Như vậy, với cơ chế giá này, EVN sẽ phải mua điện gió với giá 1.421 đồng/kWh (khoảng 6,8 cents/kWh). So với mức giá điện bình quân hiện nay là 1.242 đồng/kWh, thì giá bán điện gió cao hơn khoảng 8 đồng/kWh.
Theo các chuyên gia ngành điện, sản lượng điện hàng năm khoảng 86 triệu kWh của Nhà máy Điện gió I tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận không phải là lớn nếu so với tổng năng lượng điện Việt Nam nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mở chương đầu cho ngành công nghiệp điện gió Việt Nam. Tuy nhiên, với cơ chế về giá điện hiện nay, nhiều nhà đầu tư vẫn còn “băn khoăn” khi đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam do còn nhiều rủi ro. Muốn phát triển hơn nữa năng lượng gió, bên cạnh các cơ chế ưu đãi, giá điện cần phải dần dần tiệm cận giá thị trường để mở hướng phát triển các dạng năng lượng này trong tương lai. Nhưng đây là một bài toán không đơn giản.
Văn Xuyên