Theo Bộ Công Thương, tính đến nay EU đã điều tra 14 vụ việc phòng vệ thương mại gồm 6 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng thứ 5 trong số các nước điều tra và chiếm khoảng 8% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam.
Đáng lưu ý, các sản phẩm bị điều tra bao gồm giày mũ da, ống thép, ốc vít, xe đạp, sợi, thép, xe tay nâng, bật lửa ga, vòng khuyên kim loại, đèn huỳnh quang, ô xít kẽm, mỳ chính. Hiện nay, chỉ có biện pháp tự vệ với thép (2018) là đang còn hiệu lực.
Bộ Công Thương cho biết, nếu tính cả EVFTA, Việt Nam đã có 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực; trong đó, có các FTA thế hệ mới với kỳ vọng không chỉ giảm thuế mà cả phát triển đầu tư, dịch vụ và khoa học công nghệ.
Mức độ cắt giảm thuế quan bao trùm đến 80% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và là một động lực kinh tế quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Để nắm bắt cơ hội cũng như ứng phó với các thách thức, đặc biệt là nhằm đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng vệ thương mại khi tham gia Hiệp định, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động chuẩn bị tích cực.
Chẳng hạn như thành lập Cục Phòng vệ thương mại chuyên trách các hoạt động về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có điều kiện triển khai mạnh mẽ hoạt động này hơn so với giai đoạn trước đó.
Cơ quan điều tra cũng ngày càng được hoàn thiện, cơ cấu tổ chức để đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hoàn thiện cơ sở pháp lý, với sự ra đời của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện tương đối đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý cho các hoạt động điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại. Bộ Công Thương dự kiến sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo EVFTA.
Riêng về tuyên truyền, phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã và đang lên kế hoạch triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về pháp luật phòng vệ thương mại nói chung và các quy định về phòng vệ thương mại theo Hiệp định EVFTA nói riêng.
Ngoài ra, nhằm tiếp tục đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tháo gỡ khó khăn đối với các rào cản xuất khẩu và nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.
Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ xây dựng Cẩm nang thông tin về phòng vệ thương mại trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực để cung cấp thông tin một cách rộng rãi và có hệ thống tới các doanh nghiệp.
Không những thế, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại của Việt Nam trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực, tập trung vào các vấn đề tuyên truyền, đào tạo và tư vấn hỗ trợ pháp lý đối với các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sử dụng và ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên Bộ nhằm tăng cường hiệu quả điều tra và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ triển khai Đề án “Đẩy mạnh áp dụng hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại”, tạo cơ sở dữ liệu cảnh báo hiệu quả cho doanh nghiệp về khả năng bị điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, danh sách cảnh báo được xây dựng và cập nhật thường xuyên để doanh nghiệp có thể linh hoạt xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ trong thương mại quốc tế.
Mặt khác, xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU trong các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan.