Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần lễ Trọng tài và hòa giải thương mại Việt Nam 2020. Sự kiện có gần 150 đại biểu tham dự sự kiện là đại diện doanh nghiệp thuộc các ngành hàng như nông sản, chế biến thực phẩm, sản xuất giấy, thực phẩm chức năng, logistics, ngân hàng... cùng một số công ty tư vấn luật, hỗ trợ doanh nghiệp về thương mại quốc tế.
Khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đã nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 được coi là nghịch cảnh bất ngờ, chưa từng có tiền lệ, đã ảnh hưởng tới mọi khu vực trên thế giới; trong đó, nhiều nơi đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề cả về người và kinh tế. Thực tiễn cho thấy, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và bắt đầu công cuộc tái khởi động nền kinh tế trong "trạng thái bình thường mới". Vì thế, giờ là thời điểm để biến những khó khăn thành động lực phát triển; động lực cải cách để chuyển đổi.
Từ ngày 1/8/2020, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực thực thi. Đây sẽ là hướng đi "sáng" cho các doanh nghiệp trong nỗ lực chuyển đổi để có thể thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng nhưng khó tính như Liên minh châu Âu.
Chia sẻ thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, đối với các thị trường mới, doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc tìm hiểu các thông lệ thị trường là vấn đề rất quan trọng. Vì thế, doanh nghiệp cần hiểu biết để phòng ngừa những rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu là thị trường thương mại đã được hình thành từ lâu đời với nhiều thói quen, tập quán thương mại; thậm chí trở thành những chuẩn mực thương mại của một số ngành nghề hoặc các thông lệ khi thoả thuận về việc giao nhận ngoại thương hay thói quen sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn như trọng tài, hoà giải đối với những tranh chấp thương mại quốc tế..., ông Huỳnh cho hay.
Cũng tại sự kiện, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Jean Jacques Bouflet đã cập nhật một số thông tin về tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU); những chính sách thương mại mà các quốc gia EU đang triển khai nhằm kích thích và hỗ trợ thương mại quốc tế; đặc biệt, trong việc thiết lập các chuỗi cung ứng và tiêu thụ mới.
Từ góc nhìn chuyên môn, ông Đặng Việt Anh, Luật sư Công ty Luật tư vấn độc lập đã chỉ ra một số lưu ý giúp các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro pháp lý trong thương mại quốc tế vào thị trường châu Âu. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra sau các vụ việc liên quan tới tranh chấp hợp đồng xuất khẩu tôm; giao nhận ngoại thương qua vận tải biển quốc tế....
Cũng như quan điểm của nhiều đại biểu là các chuyên gia pháp lý có mặt tại sự kiện, ông Đặng Việt Anh kết luận, trong bối cảnh hiện nay, để "nhập gia tùy tục", các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu cách thức làm ăn của đối tác; tìm hiểu kỹ những quy định của EU, của pháp luật mỗi quốc gia EU cụ thể và về tập quán thương mại của đối tác.
Trong quá trình hợp tác, doanh nghiệp cần có sự chủ động tham vấn luật sư vê hợp đồng mua bán, giúp phòng tránh rủi ro pháp lý và để xử lý tốt những tranh chấp phát sinh nếu có. Trong trường hợp xấu, các doanh nghiệp nên có sự lựa chọn phương pháp giải quyết tranh chấp phù hợp và tham gia quá trình giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Ông Đặng Việt Anh khuyến nghị, với việc sử dụng hiệu quả trọng tài thương mại, hòa giải thương mại... sẽ giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro tốn kém chi phí, tiền bạc khi phát sinh tranh chấp trong thương mại quốc tế.