Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã chính thức lên tiếng.
Theo đó, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có quyết định cuối cùng về vụ việc dự kiến trong một vài ngày nữa, các doanh nghiệp và Hiệp hội có thể sẽ kiến nghị đưa vụ việc ra WTO (khi cần thiết).
Sản xuất thép cây tại Công ty cổ phần Sản xuất Thép Việt Đức. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho biết, sau tuyên bố của Tổng thống Trump ngày 2/3/18 (theo giờ Việt Nam) sẽ áp dụng thuế suất 25% cho toàn bộ thép nhập khẩu vào Mỹ (dự kiến tuần này), VSA đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước như Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương… và các doanh nghiệp để có biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp thép của Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trước mắt, Hiệp hội và các doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam thông qua các cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ để đề nghị phía Hoa Kỳ không áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nói trên. Hiệp hội cùng các doanh nghiệp thép sẽ theo dõi và báo cáo với cơ quan nhà nước thông tin hành động của các quốc gia như phía châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đã phản đối yêu cầu Hoa Kỳ xem xét về việc không áp dụng biện pháp 232.
Theo Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, đơn vị này đã theo dõi sát vụ việc ngay từ giai đoạn ban đầu, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan trong và ngoài nước để trao đổi, chia sẻ thông tin và ứng phó với vụ việc.
Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết, với việc nhập khẩu thép và nhôm từ Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong tổng nhập khẩu thép và nhôm của Hoa Kỳ, Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu sản phẩm thép và nhôm từ Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và thông lệ quốc tế, không làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của vụ việc và đang cân nhắc tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại khẳng định.
Trước đó, ngày 16/2/2018, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành công khai báo cáo đệ trình tổng thống xem xét, quyết định biện pháp áp dụng nhằm hạn chế nhập khẩu thép và nhôm theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 . Mục 232 quy định về việc Tổng thống Hoa Kỳ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.
Trong báo cáo, DOC khuyến nghị một số phương án hạn chế nhập khẩu áp dụng đối với nhôm và thép dưới hình thức thuế quan hoặc hạn ngạch nhập khẩu, áp dụng với tất cả các nước/vùng lãnh thổ hoặc một nhóm nước/vùng lãnh thổ xuất khẩu các mặt hàng này vào Hoa Kỳ.
Sau khi nhận được báo cáo của DOC, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ xem xét và ban hành quyết định cuối cùng về áp dụng hoặc không áp dụng, mức độ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với thép (trước ngày 11 tháng 4 năm 2018) và với nhôm (trước ngày 19 tháng 4 năm 2018).
Ngày 19/2/2018, sau khi DOC công khai báo cáo trình Tổng thống xem xét, quyết định áp dụng biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu, VSA và các doanh nghiệp thép đang tiếp tục nghiên cứu cùng với luật sư để kiến nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ. VSA cũng cập nhật các thông tin báo chí quốc tế ngành thép đánh giá về phản ứng của các quốc gia khác trước quyết định của Hoa Kỳ.
Ngày 1/3/2018 VSA và các doanh nghiệp thép có liên quan đã có buổi làm việc với Cục Phòng vệ Thương mại và các cơ quan liên quan của Bộ Công Thương để có biện pháp phối hợp hiệu quả. Ngay sau khi kết thúc phiên họp, VSA đã có công văn số 06/2018/HHTVN gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan về việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thép giảm thiểu thiệt hại do các biện pháp hạn chế nhập khẩu mà Hoa Kỳ dự định ban hành vì an ninh quốc gia theo Mục 232 Đạo luật Thương mại…