Hỗ trợ bảo hiểm để ngư dân bám biển

Những tai nạn bất ngờ trên biển hay bị tàu lạ tấn công luôn là những rủi ro mà ngư dân có thể gặp phải. Những chính sách mới và tích cực từ Nghị định 67/2014/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện hơn cho ngư dân, có thêm điểm tựa vươn khơi.

Mất trắng tài sản do không mua bảo hiểm

Thời gian qua, hàng loạt các tai nạn xảy ra với ngành đánh bắt và khai thác thủy sản xa bờ đã khiến cho ngư dân vô cùng hoang mang, lo lắng. Cuối tháng 10/2014, tàu cá mang số hiệu BĐ 95393 bị một tàu hàng đâm chìm khi đang đánh bắt trên vùng biển tỉnh Quảng Trị. May mắn là 13 thuyền viên của tàu được cứu kịp thời nhưng toàn bộ tài sản cùng con tàu đã bị chìm dưới biển.

Theo ngư dân Võ Văn Lẩy, Thuyền trưởng tàu cá BĐ 95393, tàu bị chìm có 7.000 lít dầu, cộng với tiền bán cá, giá trị con tàu và cả ngư lưới cụ lên tới con số thiệt hại hơn 6 tỷ đồng. Ông Võ Thướng, chủ tàu cá trên cho hay do tàu mới đóng, chưa mua bảo hiểm nên khiến gia đình rơi vào cảnh “trắng tay”.

Hỗ trợ bảo hiểm sẽ tạo thêm yên tâm cho ngư dân. Ảnh: Thế Lập - TTXVN


Gần đây, tại tỉnh Bình Định có 2 ngư dân nữa phải trắng tay khi tàu cá của họ gặp sự cố trên biển. Đêm 2/2, hai tàu cá của ngư dân xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã bị cháy. Mỗi con tàu trị giá hơn 2 tỷ đồng giờ chẳng khác nào đống gỗ bỏ đi. Ngư dân Cái Văn Tây, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, do không mua bảo hiểm nên giờ đây không có được sự hỗ trợ nào.

Xảy ra rủi ro chủ tàu mới nghĩ đến bảo hiểm không phải là chuyện hiếm ở nhiều địa phương ven biển. Điều này, một phần vì tâm lý chủ quan do tàu mới đóng, chất lượng tốt. Thêm vào đó, chi phí mua bảo hiểm vẫn còn quá cao đã khiến rất nhiều ngư dân xót ruột không muốn bỏ tiền ra. Bởi vậy, khi gặp sự cố không may trên biển, rất nhiều ngư dân đã mất trắng tài sản.

Điểm tựa cho ngư dân

Có hiệu lực từ ngày 25/8/2014, Nghị định 67 của Chính phủ trong đó có bảo hiểm khai thác thủy sản, sẽ giúp ngư dân bớt rủi ro khi gặp nạn. Chính sách lần này không chỉ hỗ trợ ngư dân về kinh phí mua bảo hiểm mà còn mở rộng đối tượng, mức độ, phạm vi bảo hiểm… Đây được xem là giải pháp tốt được kỳ vọng sẽ giúp ngư dân một cách thiết thực nhất để tiếp cận với bảo hiểm và hạn chế rủi ro trên biển.

Xác định đây là chính sách bảo hiểm trọng tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức khảo sát thực tế và làm việc tại một số tỉnh, thành để nắm tình hình thực tế, các khó khăn, vướng mắc và hướng giải quyết. Ở nhiều địa phương, ngư dân đang rất mong chờ thời điểm được chính thức ký hợp đồng bảo hiểm của Nghị định 67.

Tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, danh sách đăng ký mua bảo hiểm tàu cá và tai nạn thuyền viên theo Nghị định 67 của Chính phủ được kéo dài. Theo danh sách này, hầu như tàu cá nào của địa phương này cũng đăng ký.

Không chỉ được hỗ trợ 100% kinh phí cho bảo hiểm tai nạn thuyền viên, việc Nghị định 67 hỗ trợ 70% và 90% kinh phí mua bảo hiểm thân vỏ, thiết bị ngư lưới cụ cho tàu có công suất máy từ 90CV trở lên đã khiến các chủ tàu cá rất phấn khởi. Theo ông Hồ Thanh Hướng, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh, thì trước kia ngư dân phải bỏ ra hơn 20 triệu đồng mua bảo hiểm nhưng nay Nhà nước hỗ trợ thì ai cũng phấn khởi và đồng tình tham gia.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, hiện có hơn 28.561 tàu cá công suất máy trên 90 CV tham gia đánh bắt hải sản xa bờ ở 28 tỉnh, thành và có hơn 117.000 tàu cá công suất dưới 90CV.

Ngoài ra, đang có khoảng 2.000 tàu cá và 205 tàu hậu cần đang đóng mới.

Bộ Tài chính cho biết, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ các tàu cá chi phí bảo hiểm về các hỏng hóc, tai nạn thân tàu, ngư lưới cụ, tai nạn của thuyền viên và đặc biệt, sẽ có bảo hiểm trong trường hợp xảy ra thiên tai, ảnh hưởng khủng hoảng chính trị...

Đại diện Tập đoàn bảo hiểm Bảo Việt cho biết sẽ nhận bảo hiểm cho các trường hợp bị tổn thất, gặp rủi ro đặc biệt như tàu bị nạn do chiến tranh, bị cướp, bị bắt giữ do khủng bố mang tính chất chính trị hay bị nổ. Nếu như tàu cá bị bắt giữ trong vòng 3 tháng không trả lại thì coi như đây là chủ tàu sẽ được tính bảo hiểm theo dạng tổn thất toàn bộ. Phí bảo hiểm trong trường hợp này là 0,5% phí bảo hiểm thân tàu.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo hiểm khai thác hải sản; chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp chặt chẽ với địa phương và cơ quan hữu quan để phối hợp thực hiện trên từng địa phương được chọn triển khai bảo hiểm khai thác hải sản. Đồng thời Bộ cũng sẽ thành lập các đoàn công tác làm việc với các địa phương, đại diện một số huyện xã, cũng như một số ngư dân, chủ tàu để nắm tình hình thực tiễn ở cơ sở, giải thích chính sách chế độ và tham gia góp ý với địa phương về những nội dung cần triển khai nhằm kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.    


Thùy Dương


Sát cánh cùng ngư dân bám biển
Sát cánh cùng ngư dân bám biển

Để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi biên giới biển, Đồn Biên phòng Cửa Đại, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre xác định cần xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, quan tâm tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN