Phát biểu tại hội thảo, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, từ ngày 1/1/2017, Hàn Quốc đã tiến hành áp dụng cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật có trong quả hạt có dầu và hoa quả nhiệt đới. Vì thế, nếu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký thiết lập mức giới hạn cho phép (Maximum residue limit - MRLs) thì sẽ bị áp dụng mức mặc định chung là 0.01ppm.
Mặc dù đây là biện pháp áp dụng chung đối với tất cả các nước, song biện pháp này sẽ hạn chế về số lượng, chủng loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong phòng trừ sâu bệnh tại Việt Nam (nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký theo quy định mới của Hàn Quốc sẽ bị áp mức mặc định 0,01ppm), sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như: cà phê, lạc nhân, hạt điều và các loại trái cây nhiệt đới… sang thị trường Hàn Quốc.
Người dân lựa chọn những sản phẩm nông sản sạch trong một cửa hàng. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN |
Theo ông Lê An Hải, trong bối cảnh Hàn Quốc sẽ tiến hành áp dụng cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật từ ngày 1/1/2019, việc các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham dự hội thảo này và chủ động tiếp cận được các thông tin mới sẽ giúp hạn chế được đáng kể các rủi ro về kỹ thuật khi xuất khẩu các loại trái cây của Việt Nam sang Hàn Quốc trong tương lai.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao nỗ lực hợp tác giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Hàn Quốc trong việc thu hút sự quan tâm của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản đối với những quy định mới của các thị trường trọng điểm cũng như nâng cao nhận thức chung về vấn đề thực phẩm an toàn.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản, mặc dù hàng nông sản của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn, chỉ khi đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật ngày một khắt khe trong sản xuất và bảo quản thì hàng trái cây xuất khẩu mới nâng cao được khả năng xuất khẩu trực tiếp sang những thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu… Đây là điểm mấu chốt giúp hàng trái cây nói riêng và nông sản tăng chủ động về khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Tại Hội thảo, ông Lee Soon-Ho, Đại diện Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã đi sâu phân tích đối sánh tình hình nhập khẩu các sản phẩm nông sản an toàn của Hàn Quốc từ các đối tác thương mại chính; trong đó có Việt Nam, nhằm chỉ ra được các loại trái cây mà Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm về loại/dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong top 20 sản phẩm nông sản Việt Nam xuất sang Hàn Quốc.
Ngoài ra, ông Lee Soon-Ho cũng khuyến cáo doanh nghiệp về danh mục 370 loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ chịu sự kiểm tra chuyên sâu tại cảng nhập khẩu được chỉ định của Hàn Quốc; trong đó có gần 140 loại thuốc hiện “chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng” tại thị trường nước này.
Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức lưu tâm vì chỉ có các loại thuốc bảo vệ thực vật “đã có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng” mới được nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Trên cơ sở đó, đại diện Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng rà soát hàng trái cây xuất khẩu của mình có sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật nào “chưa có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng” tại Hàn Quốc.
Khi đã xác định được doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu cần nộp hồ sơ đăng ký “tiêu chuẩn an toàn về dư lượng” đến Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc để loại thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng được xem xét tiêu chuẩn hóa. (Thông tin chi tiết có thể xem tại: https://www.foodsafetykorea.go.kr/foodcode/index.jsp)
Thống kê từ Bộ Công Thương, trong hơn 25 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại song phương hai nước Việt – Hàn đã tăng trưởng vượt bậc, năm 2017 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 61,5 tỷ USD, tăng gấp 123 lần so với năm 1992 kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, chiếm 14,4% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Song hành với dòng đầu tư ngày càng chất lượng từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, Hàn Quốc trở thành đối tác kinh tế quan trọng bậc nhất của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2017, Hàn Quốc vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc) và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của Hàn Quốc. Hàn Quốc hiện cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam tính theo tổng vốn đầu tư (59,2 tỷ USD) và số lượng dự án (xấp xỉ 7.000 dự án).
Đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực vào tháng 12/2015 đà tăng trưởng kim ngạch thương mại hai bên đã có những bước tăng trưởng ấn tượng; trong đó nhóm mặt hàng nông sản cũng có sự tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng là thị trường áp dụng các tiêu chuẩn cao về kiểm dịch động thực vật và thực phẩm nhập khẩu và không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã gặp phải khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch của thị trường này.