Hỗ trợ doanh nghiệp: Việc không thể chậm trễ-Kỳ 1: Lo ngại về tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động

LTS: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ cho DN và đảm bảo ổn định kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Để hiểu rõ hơn về những tác động của gói giải pháp của Chính phủ dành cho DN, phóng viên Báo Tin tức đã thực hiện loạt bài viết “Hỗ trợ doanh nghiệp: Việc không thể chậm trễ”.

 

Kỳ 1: Lo ngại về tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động


Theo báo cáo từ các ngành chức năng, số DN thành lập mới đang giảm mạnh trong khi số ngừng hoạt động tăng cao. Nếu không có các giải pháp hỗ trợ cho DN hợp lý và kịp thời, số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể có thể còn tăng cao hơn nữa trong bối cảnh phục hồi tăng trưởng kinh tế chậm, thị trường trong nước và ngoài nước khó khăn.

 

Cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

 

Theo đánh giá mới nhất từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sang tháng 4 và tháng 5, tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước bắt đầu tốt hơn, biểu hiện qua hai yếu tố là hàng tồn kho giảm dần và tổng mức bán lẻ kinh doanh hàng hóa dịch vụ tăng lên. Tính đến ngày 1/5, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến đã giảm so với tháng 3 và tháng 4/2012. Tuy nhiên, việc chỉ số hàng tồn kho hàng công nghiệp vẫn tăng 29,4% so với cùng kỳ cho thấy, sức ép giải phóng hàng tồn kho với DN vẫn rất lớn. Tính đến tháng 5, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến - chế tạo cũng tăng 29,4% so với cùng kỳ. Con số này tuy có giảm so với kỷ lục gần 35% của tháng 3 nhưng vẫn ở mức khá cao. Công nghiệp vật liệu xây dựng cũng rất khó khăn do chịu ảnh hưởng từ thị trường bất động sản trầm lắng. Ngành xi măng hiện còn tồn đọng tới 6 triệu tấn. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, hiện nay nhiều nhà máy thép vẫn phải giảm sản xuất, chỉ chạy 50 - 60% công suất do sức tiêu thụ sụt giảm và hàng tồn kho cao...


Do áp lực hàng tồn kho vẫn lớn nên hoạt động sản xuất kinh doanh của DN rất ì ạch. Trong những tháng gần đây, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng chậm thể hiện phần nào tình trạng “sức khỏe” yếu kém của DN. Chỉ số này đã ở trong tình trạng tăng chậm nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp vào GDP tới 34 đến 35%, nhưng trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng thấp do gặp khó ở khâu tiêu thụ sản phẩm.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đánh giá, nhìn chung nền kinh tế đã có tín hiệu về khôi phục tăng trưởng nhưng còn chưa rõ nét. Các DN vẫn duy trì hoạt động nhưng vướng nhất vẫn là đầu ra, do đó cần có các gói hỗ trợ để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho. Hiện nay, lãi suất liên ngân hàng đã giảm, chứng tỏ thanh khoản các ngân hàng dường như đang tốt lên. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những chủ trương hỗ trợ DN sản xuất song lãi suất vay chưa giảm được như kỳ vọng và vẫn còn những "rào cản" làm DN khó tiếp cận vốn vay giá rẻ. Điều này cần phải xem xét tháo gỡ sớm để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN.


Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cảnh báo, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đang có chiều hướng xấu đi, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận, doanh số, hàng tồn kho, hiệu suất sử dụng máy và số lao động... Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thậm chí cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện nay, số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể có thể còn tăng cao hơn nữa. Theo ông Lộc, phần lớn DN ngừng hoạt động hoặc giải thể là do kinh doanh thua lỗ nhưng cũng có những khó khăn khác. “Không chỉ sức khỏe DN yếu hơn mà yêu cầu của nền kinh tế với cộng đồng DN cũng đã thay đổi khi nền kinh tế đang trong quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Do đó, sẽ có DN buộc phải chấp nhận bị đào thải, bị thâu tóm khi không đủ sức cạnh tranh. Có DN buộc phải ngừng hoạt động hoặc chấp nhận chuyển đổi khi không còn phù hợp với mô hình mới”, ông Vũ Tiến Lộc phân tích.

 

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Chính phủ cũng nhận định, cùng với việc khó tiếp cận vốn, vấn đề tồn kho nhiều thì sức tiêu thụ chậm đang là một trong những trở ngại lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tình hình tài chính của DN hiện nay. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế gửi Bộ Tài chính, tổng số nợ thuế của các DN trong quý I/2012 lên tới gần .000 tỷ đồng, trong đó có gần 5.000 tỷ đồng thuộc về các DN đã giải thể, phá sản, bỏ trốn hoặc mất tích.


Ngày 16/5 vừa qua, tại tờ trình về việc ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết, quý I/2012 có 18.700 DN tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn, 10.350 DN giải thể, phá sản và ngừng hoạt động, tăng 14,82%. Một số ngành có lượng DN ngừng hoạt động tăng cao so với quý I/2011 như ở lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 18,6%, xây dựng tăng 12,6%, thương mại dịch vụ tăng 17,3%, ăn uống khách sạn tăng 31,6%. Và, đứng đầu là lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng đến 91,3%.


Theo đại diện phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này vẫn đang rất tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các giải pháp hạ nhanh lãi suất, mở rộng điều kiện tiếp cận vốn cho DN... nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Vấn đề là sức hấp thụ vốn còn yếu, số DN phá sản, giải thể do sản xuất kinh doanh thua lỗ chiếm 69%. Hơn nữa, sức cầu thu hẹp đã ảnh hưởng đến tài chính DN, điều này khiến các ngân hàng thương mại e ngại khi rót vốn. Bởi thế, cùng với những giải pháp về tín dụng, theo các chuyên gia kinh tế, phải thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm, giải quyết nợ xấu cho DN, khi đó các ngân hàng sẽ tự tin hơn trong việc giải ngân vốn.

 

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty Hanel xốp nhựa: Kỳ vọng lãi suất giảm nữa

Hiện nay, Công ty đang đi vay với lãi suất 15%/năm đối với VND và lãi suất USD là 6%/năm. Tôi cho rằng đây là nỗ lực cho vay ưu đãi mà ngân hàng dành cho doanh nghiệp trong khi điều kiện cho vay mà ngân hàng áp dụng đối với Hanel không có gì khó khăn do công ty chúng tôi luôn trả nợ đúng thời hạn, thậm chí trước hạn, đầu ra của sản phẩm tương đối tốt. Với lãi suất cho vay hiện nay, doanh nghiệp cũng dễ thở hơn nhưng vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay là 12- 13%/năm để giúp doanh nghiệp bù lỗ được những khó khăn trước đó.

 

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM: Tập trung kích cầu thị trường

Để đại bộ phận doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cần có thêm nhiều giải pháp mang tính thị trường thông qua việc kích cầu thị trường. Cụ thể, cần 3 giải pháp để “cứu” doanh nghiệp gồm: Giảm thuế GTGT một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (khoảng 5%), để giải quyết hàng tồn kho, đồng thời giảm được gánh nặng giá cho người tiêu dùng, tăng sức cầu đối với sản phẩm hàng hóa; giảm thuế thu nhập cá nhân để người dân tăng chi tiêu trong điều kiện tiền lương không tăng...; hạ mặt bằng lãi suất cho vay về 10%, xuống dưới 10% thì doanh nghiệp mới dám vay để đầu tư.

 


Kỳ 2: “Kê đơn thuốc” cứu doanh nghiệp: Chọn thuốc và liều lượng cho hợp lý

Nhóm PVKT - XH

Doanh nghiệp bán lẻ xoay xở để tồn tại
Doanh nghiệp bán lẻ xoay xở để tồn tại

Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến cho doanh nghiệp (DN) bán lẻ và những người buôn bán nhỏ phải xoay xở đủ cách để tồn tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN