Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bước vào những ngày cao điểm thu hoạch rộ lúa vụ đông xuân. Mặc dù chương trình hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ đã được triển khai nhưng việc tiêu thụ lúa gạo vẫn còn nhiều khó khăn.
Thu mua tạm trữ, giá vẫn giảm
Các tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, An Giang… những ngày tháng 3, từng vạt lúa chín vàng ươm chạy dài tít tắp, cong oằn dưới cái nắng gay gắt chói chang. Nhờ thời tiết thuận lợi, bà con tranh thủ nhanh tay thu hoạch, phơi khô lúa. Anh Nguyễn Văn Dũng ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cho biết: “Do thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít nên lúa đông xuân năm nay được mùa. Năng suất bình quân đạt từ 6,5 -7,5 tấn/ha, cao hơn so với vụ đông xuân năm trước. Cá biệt một số nơi như huyện Tháp Mười nông dân thu hoạch lúa hạt dài còn đạt năng suất từ 9 - 10 tấn/ha”.
Vụ đông xuân năm nay, toàn vùng ĐBSCL gieo sạ hơn 1,6 triệu ha lúa, ước sản lượng thu hoạch khoảng 11 triệu tấn lúa (tăng hơn 34.000 tấn so với cùng kỳ năm 2013); trong đó sẽ có khoảng 8,5 triệu tấn lúa hàng hóa (tương đương khoảng 4,3 triệu tấn gạo). Theo số liệu của ngành nông nghiệp, tính tới thời điểm hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch khoảng gần 1 triệu ha lúa đông xuân và dự kiến trong tháng 4 sẽ thu hoạch dứt điểm diện tích còn lại.
Chương trình hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ lúa gạo được bắt đầu triển khai từ ngày 20/3, theo khảo sát của phóng viên, sau khi có thông tin về chủ trương mua tạm trữ lúa gạo, từ ngày 15/3 giá lúa liên tục đi lên, nhưng hiện nay, do doanh nghiệp chưa đẩy mạnh thu mua nên giá lúa lại bắt đầu có dấu hiệu chững lại và đi xuống. Tại nhiều địa phương trọng điểm có diện tích thu hoạch lúa lớn như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… giá lúa đã giảm từ 100 - 200 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/3. Tuy có sự chênh lệch trong giá thu mua giữa các địa phương trong vùng, nhưng theo các thương lái, giá phổ biến thu mua lúa tươi tại ruộng chỉ dao động khoảng 4.200 - 4.400 đồng/kg (giống IR 50404) và 4.700 - 4.800 đồng/kg (lúa thơm).
Giá thành sản xuất lúa vụ này bình quân đạt 3.769 đồng/kg, tăng gần 250 đồng/kg so với vụ đông xuân trước. Vì thế, theo các chuyên gia trong ngành và nhà nông, giá thu mua lúa tươi phải đạt từ 5.000 đồng/kg trở lên mới đảm bảo nhà nông có lãi mức tối thiểu 30% như chỉ đạo của Chính phủ.
Tăng cường sức mua
Trong động thái giúp nhà nông đẩy nhanh tiêu thụ lượng lúa, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa chấp thuận cho 14 ngân hàng thương mại cho vay mua thóc, gạo tạm trữ vụ đông xuân năm 2013 - 2014 với mức lãi suất tối đa 7%/năm. Theo đó, các ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ sẽ thực hiện việc cân đối nguồn vốn để cho doanh nghiệp vay vốn mua tạm trữ lúa, gạo. Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ tối đa là 4 tháng, kể từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 20/7/2014. Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã tiến hành giao chỉ tiêu cụ thể cho doanh nghiệp thành viên, có kế hoạch tổ chức thu mua lúa tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo (2 triệu tấn quy thóc) cho bà con các tỉnh ĐBSCL.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá gạo chào xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước vẫn ổn định và cao hơn với giá bán gạo của Thái Lan từ 10 - 20 USD/ tấn, ở mức 390 - 400 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Tuy nhiên, do mức giá thu mua nội địa của Việt Nam khi quy đổi ra ngoại tệ cao cho nên doanh nghiệp vẫn bị thua thiệt khi mua vào nếu không tiêu thụ được. Trong khi đó, do thông tin Thái Lan có chủ trương giải phóng lượng gạo tồn kho lên tới 20 triệu tấn trong năm 2014 nên giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng giảm mạnh. Các đối tác truyền thống của Việt Nam như Philipines, Indonesia... đã tạm dừng thỏa thuận hợp đồng nhập khẩu để nghe ngóng tình hình đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá gạo thực tế chào bán của doanh nghiệp trong nước.
Do thị trường đầu ra không thuận lợi nên nhiều doanh nghiệp vẫn chần chừ chưa dám mạnh tay thu gom. Hiện, vốn không phải là vấn đề lớn vì hầu hết các ngân hàng đều tạo điều kiện tối đa. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải cân nhắc khi quyết định thu mua tạm trữ do thị trường lúa gạo đang không nhiều thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, việc thu mua tạm trữ lúa gạo chỉ giúp giải quyết khó khăn trước mắt về tiêu thụ cho người nông dân. Về lâu dài, để giải quyết bài toán tiêu thụ lúa gạo bền vững, cần có những giải pháp căn cơ hơn, trong đó, phải gắn kết chặt chẽ hơn giữa sản xuất và tiêu thụ”, ông Bảy nói thêm.
Lê Nghĩa