Hỗ trợ và thưởng đến 100 triệu đồng cho sản phẩm đạt OCOP

Cầm tay chỉ việc, tập huấn cho các chủ thể có tiềm năng phát triển sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ các thủ tục pháp lý, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện thành công sản phẩm OCOP, thưởng đến 100 triệu đồng đối với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP… là những giải pháp huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa thực hiện để phát triển các sản phẩm OCOP.

Chú thích ảnh
Gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh minh họa: Hoa Mai/TTXVN

Nhờ đó đến nay, huyện Thọ Xuân đã có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3-4 sao và đây là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh. Các sản phẩm này cũng được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Là địa phương có nhiều sản phẩm lợi thế; trong đó, có những sản phẩm tiến vua như như bưởi Luận Văn, bánh răng bừa, bánh gai Tứ Trụ… nhưng từ năm 2018 trở về trước, mới có ít khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến những sản phẩm này bởi sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu và có chứng nhận an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng chưa được tuyên truyền quảng bá đúng mức…

Từ khi có chương trình xây dựng sản phẩm OCOP, Thọ Xuân đã xác định đây là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất và thực hiện chương trình nông thôn mới. Đây cũng là cơ hội để phát triển các sản phẩm có tiềm năng lợi thế của địa phương này.

Từ thực tế trên, huyện đã rà soát, đánh giá các sản phẩm có ưu thế. Cũng qua đánh giá, phân loại sản phẩm, huyện Thọ Xuân có 20 sản phẩm lợi thế để phát triển thành sản phẩm OCOP. Tuy vậy, để các sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP thì không dễ dàng, bởi đa số các chủ thể ngại làm các quy trình, thủ tục xây dựng sản phẩm OCOP. Họ cũng còn nhiều hạn chế trong việc cải tiến áp dụng công nghệ và chưa thấy hết được lợi ích khi tham gia.

Nắm bắt được tâm lý này, huyện Thọ Xuân đã “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể làm hồ sơ thủ tục, tư vấn bao bì, tập huấn cho các chủ thể có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, hướng dẫn cho các chủ thể về quy trình sản xuất an toàn, các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, ý thức trách nhiệm của người sản xuất trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Huyện chủ động đấu mối với các cơ quan liên quan kiểm tra, chứng nhận   sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Để khuyến khích các chủ thể, huyện Thọ Xuân cũng đưa ra mức thưởng lên đến 100 triệu đồng đối với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Đây cũng là huyện có mức thưởng cao nhất đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tại Thanh Hóa.

Khi đến thăm cơ sở sản xuất nem nướng Thành Nghĩa ở thị trấn Thọ Xuân, chị Trịnh Thị Nghĩa, chủ cơ sở sản xuất nem nướng cho biết, trước đây khi chưa đạt sản phẩm OCOP mỗi ngày chị chỉ bán được vài chục cái nem, nhưng sau khi được chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm đã được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh biết đến và đặt mua, bình quân mỗi ngày chị bán đến gần 500 cái nem nướng.

Để đạt được kết quả này là cả sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương, bởi ban đầu gia đình chị Nghĩa không trú trọng xây dựng sản phẩm OCOP. Chị không nhận thấy được lợi ích của việc làm này.

Hay tại trang trại trồng dưa hấu Xuân Hòa (xã Xuân Hòa) của chị Lê Thị Tuyết. Tại đây những quả dưa hấu đang đang chuẩn bị vào độ chín, cho thu hoạch, nhưng niềm vui lớn nhất của chị Tuyết là vào tháng 6 tới chị sẽ hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền công nhận giống dưa hấu Xuân Hòa là sản phẩm OCOP 3 sao.

Chị Tuyết tâm sự, trước đây chị cũng không quan tâm đến việc làm sản phẩm OCOP cho dưa hấu Xuân Hòa bởi chị chưa biết hết các quy trình. Chị cũng chỉ nghĩ sản phẩm làm ra chỉ bán cho các chợ đầu mối, nhưng được sự vận động, thuyết phục của chính quyền địa phương và các cấp, ngành chị đã nhận thức đúng tầm quan trọng khi làm sản phẩm OCOP. Chị Tuyết tin tưởng rằng, khi đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP dưa Xuân Hòa sẽ được bán tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh, đồng thời có giá cao hơn ngoài thị trường.

Bên cạnh việc cầm tay chỉ việc cho các chủ thể làm OCOP, huyện Thọ Xuân cũng triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong giai đoạn 2018-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Mỗi năm huyện cũng xây dựng nội dung kế hoạch cụ thể trong việc triển khai xây dựng các sản phẩm OCOP. Trong quá trình thực hiện, các xã, các chủ thể có khó khăn vướng mắc sẽ được tham mưu đề xuất tháo gỡ kịp thời.

Ông Lê Thọ Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân cho biết, để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng các sản phẩm OCOP, huyện Thọ Xuân đã đào tạo, tập huấn kiến thức cho 100% cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP huyện, xã và các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.

Huyện cũng đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm Chương trình OCOP. Huyện cũng xác định rõ thời gian, lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể đối với từng sản phẩm OCOP theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo sự phù hợp với điều kiện địa phương.

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Thọ Xuân sẽ xây dựng thêm 5 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và tiếp tục nâng cấp các sản phẩm 3 sao lên 4 sao, đặc biệt với 2 sản phẩm là bưởi tiến vua Luận Văn và kẹo lạc Đức Giang sẽ được nâng cấp lên sản phẩm OCOP 5 sao.

 Duy Hưng-Khiếu Tư (TTXVN)
Quảng Ninh có hơn 400 sản phẩm tham gia chương trình OCOP
Quảng Ninh có hơn 400 sản phẩm tham gia chương trình OCOP

Tính đến hết tháng 3/2021, tỉnh Quảng Ninh đã có 464 sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN