Theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, các đơn vị chức năng thuộc ủy ban sẽ hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện để Công ty cổ phần DAP (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem) đầu tư vào những sản phẩm mới, nâng cao năng lực quản trị, tính toán những hướng phát triển dựa trên những lợi thế sẵn có để mở rộng thị trường và kết nối với các doanh nghiệp thành viên thuộc ủy ban.
Về kết quả sản xuất kinh doanh hiện tại của Dự án sản xuất phân bón DAP Hải Phòng nói riêng và toàn Công ty cổ phần DAP nói chung, ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP (Vinachem) cho biết, tính đến ngày 30/6/2019, Nhà máy DAP Hải Phòng đã cung ứng ra thị trường trên 2,32 triệu tấn phân bón DAP, góp phần bình ổn giá phân bón trong nước và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 650 lao động. Năm 2018, lợi nhuận của toàn công ty đạt 227,14 tỷ đồng. Lũy kế giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế từ năm 2010 đến nay đạt 21.347,5 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 420 tỷ đồng.
Đánh giá về hiện trạng tài chính của doanh nghiệp, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết, Dự án sản xuất phân bón DAP Hải Phòng đã được hoàn tất quyết toán từ năm 2013, không còn vướng mắc gì với các nhà thầu. Các năm 2010 đến 2015, công ty đều đạt lợi nhuận cao, lũy kế lợi nhuận giai đoạn này đạt 747 tỷ đồng.
Năm 2016, công ty xuất hiện lỗ. Năm 2017, công ty đã thoát lỗ và có lợi nhuận 14,78 tỷ đồng. Đến ngày 5/9/2018, doanh nghiệp cũng đã tất toán xong toàn bộ vốn đầu tư (cả vốn và lãi) đúng kỳ hạn, không có nợ quá hạn nên hiện tại nguồn tài chính của đơn vị đang rất lành mạnh.
Những khó khăn mà đơn vị phải đối mặt trong năm 2016 là bài toán quy luật thị trường, nguyên liệu đầu vào cùng với nguyên nhân xuất phát từ chính sách. Do đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp kết nối với Bộ Xây dựng, đẩy nhanh quá trình ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế xử lý, tiêu thụ bã thạch cao PG...
Trong khi đó, theo Quyết định 14/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các dự án kém hiệu quả của ngành công thương, Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) là một trong những đơn vị thuộc Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả cần phải được xử lý và chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nhằm khắc phục khó khăn, VNPOLY đã nỗ lực và có nhiều giải pháp như nhanh chóng bảo dưỡng, sửa chữa để sẵn sàng tái khởi động nhà máy, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường tham gia xúc tiến thương mại để tích cực tiếp cận các thị trường tiêu thụ…để nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động.
Ông Đào Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VNPOLY, cho biết, với sự hỗ trợ của các cổ đông, VNPOLY đã khởi động lại 3 dây chuyền sản xuất sợi DTY từ tháng 4/2018. Đến tháng 11/2018, VNPOLY đã hợp tác với APH/AST để gia công sợi DTY và đến tháng 5/2019 đã vận hành 12 dây chuyền sản xuất. Tính từ đầu năm 2019 tới ngày 28/8, sản lượng sản xuất sợi DTY lũy kế đạt 4.579 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2018.
Chất lượng sản phẩm đều đạt và vượt so với kế hoạch, tiêu hao tiện ích, hóa chất và phụ kiện đều giảm so với hợp đồng đã ký, sản phẩm của VNPOLY được tổ chức Oeko-Tex (Đức) cấp chứng nhận đảm bảo chất lượng xuất khẩu vào thị trường châu Âu và đã xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và Thái Lan, ông Ngọc nhấn mạnh. VNPOLY hiện cũng đang chuẩn bị tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa để sẵn sàng tái khởi động nhà máy sản xuất và các thủ tục xử lý tranh chấp phát sinh với nhà thầu Hyundai Engineering Co. Ltd (HEC).
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đào Văn Ngọc cũng chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang phải đối mặt về tài chính và thị trường. Cụ thể, do áp lực hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng khiến thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường xơ sợi nội địa đang ngày càng bị thu hẹp từ 34% trong năm 2017 xuống chỉ còn 23% trong năm 2018.
Thêm vào đó, mặc dù VNPOLY hiện đang sở hữu những công nghệ và dây chuyền máy móc được đánh giá là hiện đại của thế giới, nhưng những yếu tố về cơ sở hạ tầng, tính liên kết và chi phí vận chuyển…lại tác động không nhỏ tới tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính vì thế, đại diện VNPOLY cũng bày tỏ nguyện vọng, ngành công thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra hành vi bán phá giá và trợ cấp đối với mặt hàng sợi polyester filament từ nước ngoài; đồng thời, xây dựng chính sách tháo gỡ tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng sản phẩm của ngành dệt may.
VNPOLY kiến nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc để tiến hành điều tra hành vi trốn thuế, gian lận thương mại của các nhà nhập khẩu trong nước thông qua hành vi mua bán không hóa đơn, khai gian giá trị, chủng loại mua bán….
Sau thời gian tiếp nhận và xử lý những vấn đề vướng mắc, phát sinh của VNPOLY, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết, tình trạng người lao động nghỉ việc cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Phương án tái cơ cấu doanh nghiệp và xử lý những vướng mắc cho VNPOLY là cần phải tính toán và nhanh chóng triển khai cho kịp thời.
Theo đó, ông Tuấn Anh cho rằng, những yếu tố về nhu cầu thị trường hay việc xử lý tranh chấp với nhà thầu quốc tế để nhanh chóng quyết toán và thoái vốn Nhà nước theo hướng dẫn của Chính phủ…cần được thực hiện ngay để tạo điều kiện nhanh chóng đưa nhà máy tiếp tục vận hành, giúp doanh nghiệp duy trì được khả năng xử lý nợ.
Liên quan tới nhiệm vụ thoái vốn của đơn vị chủ quản là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại VNPOLY, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN cho biết, VNPOLY đang phối hợp với các cổ đông rà soát lại Báo cáo quyết toán vốn đầu tư ở các dự án đã hoàn thành và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở báo cáo quyết toán, VNPOLY sẽ phối hợp với các cổ đông triển khai định giá tài sản và lập phương án tái cấu trúc để thực hiện thoái vốn của PVN tại VNPOLY theo chỉ đạo của Chính phủ.
Mặc dù, mới tiếp nhận VNPOLY từ ngành công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã lập tức xây dựng phương án và bố trí nhân lực theo sát doanh nghiệp nhằm hỗ trợ và tìm hướng xử lý hiệu quả.
Theo đó, chủ trương của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh là cần thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận và xử lý vấn đề. Thay vì giải quyết những khó khăn, vướng mắc riêng lẻ thì nên áp dụng tư duy tổng quát để xây dựng lộ trình, phương án xử lý tổng thể cho các vấn đề của VNPOLY.
Cụ thể, các đơn vị, phòng ban chức năng cần nhanh chóng tính toán các yếu thị trường và phi thị thị trường, báo cáo cách giải quyết cụ thể theo hướng dẫn và phối hợp với doanh nghiệp để triển khai và hoàn thiện các giải pháp đó.
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh sẽ lập tức trình Chính phủ những kiến nghị để điều chỉnh hoặc bổ sung các chính sách cho phát triển ngành này.